Trung Quốc thành nước đầu tiên đưa đá từ vùng tối Mặt trăng về Trái đất

Sứ mệnh Thường Nga 6 của Trung Quốc thành công tốt đẹp khi một capsule chứa đầy mẫu vật đất đá từ vùng tối của Mặt trăng hạ cánh xuống Trái đất vào 14h07 ngày 25/6 (giờ Bắc Kinh).

Mẫu vật được thu thập bởi tàu đổ bộ Thường Nga 6 sau nhiệm vụ kéo dài 53 ngày, cho thấy năng lực ngày càng tăng của Trung Quốc trong lĩnh vực vũ trụ và ghi nhận thêm một chiến thắng nữa trong loạt các sứ mệnh mặt trăng bắt đầu từ năm 2007 và cho đến nay đã được thực hiện gần như hoàn hảo.


Video mô-đun Thường Nga 6 "nhảy dù" xuống khu vực Nội Mông (Trung Quốc), mang theo các mẫu đất đá từ ​​vùng tối của Mặt trăng. (Nguồn: CCTV).

"Thường Nga 6 là sứ mệnh đầu tiên trong lịch sử loài người đưa mẫu vật từ vùng tối của Mặt trăng trở về Trái đất", Long Xiao, nhà địa chất hành tinh tại Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc, cho biết. "Đây là một sự kiện trọng đại đối với các nhà khoa học trên toàn thế giới".

Quy trình tái nhập và hạ cánh bắt đầu vào khoảng 13h20 cùng ngày, khi những người phụ trách nhiệm vụ tải dữ liệu định vị chính xác lên tổ hợp tàu bay - capsule tái nhập, sau đó capsule được mở khóa và tách ra ở độ cao khoảng 5.000km phía trên phía nam Đại Tây Dương.

Mô-đun tái nhập đi vào khí quyển Trái đất ở độ cao 120km so với mặt đất với tốc độ 11,2km/giây, mang theo khối hàng hóa quý giá lên đến 2kg vật liệu khoan và đào từ bồn địa cổ nhất của Mặt trăng, theo Cục Quản lý Không gian Quốc gia Trung Quốc (CNSA).

Giám đốc CNSA Zhang Kejian cho biết sứ mệnh Thường Nga 6 "đã đạt được thành công hoàn hảo".

Ông nói: “Theo giám sát của trung tâm kiểm soát hàng không vũ trụ Bắc Kinh, mô-đun tái nhập khí quyển của sứ mệnh Chang'e 6 đã hạ cánh thành công tại Siziwang Banner trong khu vực được chỉ định”.

Mô-đun sau khi được xử lý tại chỗ, sẽ được vận chuyển bằng đường hàng không đến Bắc Kinh, nơi nó sẽ được mở ra và lấy mẫu để phân tích và lưu trữ.


Mô-đun Thường Nga 6 hạ cánh an toàn xuống vùng đồng cỏ ở khu vực Nội Mông của Trung Quốc vào lúc 14h07 ngày 25/6.

Theo ông, Yue Zongyu nhà địa chất học tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, các mẫu vật này dự kiến sẽ giải đáp “một trong những câu hỏi cơ bản nhất trong nghiên cứu về Mặt Trăng, đó là hoạt động địa chất nào chịu trách nhiệm cho sự khác biệt giữa vùng sáng và tối”.

Ông Yue là tác giả chính của một bài báo được công bố hôm 24/6 trên The Innovation, một tạp chí của Cell Press, về địa điểm hạ cánh trên Mặt Trăng và ý nghĩa của nó đối với các nghiên cứu tiếp theo. Ông chia sẻ hy vọng lớn nhất của mình là các mẫu vật Thường Nga 6 mang về chứa một số “vết tích va chạm”.

"Đó là những mảnh vỡ được tạo ra khi các vật thể nhỏ hơn va chạm vào Mặt Trăng, có thể cung cấp những thông tin quan trọng về dòng va chạm thời kỳ đầu của Mặt Trăng”, ông nói.

“Một khi có được thông tin này, nó không chỉ giúp làm sáng tỏ vai trò của các tác động thiên thạch thời kỳ đầu lên sự tiến hóa của Mặt Trăng, mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc phân tích lịch sử va chạm thời kỳ đầu của Hệ Mặt trời”, ông Yue nói.

Namrata Goswami, tác giả và chuyên gia chính sách vũ trụ tại Đại học bang Arizona ở Mỹ, nhận định thành công của sứ mệnh cho thấy "Trung Quốc đã đạt được và hoàn thiện khả năng đưa tàu vào quỹ đạo Mặt trăng, hạ cánh, thu thập mẫu vật tự động và quay trở về".

Brad Joliff, nhà khoa học hành tinh từ Đại học Washington, ca ngợi sứ mệnh Thường Nga 6 là "tuyệt vời""hoạt động trơn tru như đồng hồ".

Khoảnh khắc tàu đổ bộ Thường Nga 6 lao xuống bề mặt vùng tối Mặt trăng. (Nguồn: CNSA)

Thường Nga 6 là sứ mệnh thứ hai của Trung Quốc tới vùng tối phía xacủa Mặt trăng. Nhiệm vụ đổ bộ/máy thám hiểm Thường Nga 4 năm 2019 là lần hạ cánh mềm đầu tiên trên bề mặt không bao giờ được nhìn thấy từ Trái đất, do hiệu ứng khóa thủy triều giữa hành tinh của chúng ta và Mặt trăng.

Tàu vũ trụ Thường Nga 6 phóng lên từ sân bay vũ trụ Văn Xương trên đảo Hải Nam, miền nam Trung Quốc vào ngày 3/5, tới Mặt trăng 5 ngày sau đó. Sau khi chờ đợi trên quỹ đạo, sứ mệnh đã hạ cánh xuống một khu vực được chọn trước trong lưu vực Nam Cực - Aitken (SPA) của Mặt trăng vào đầu tháng này.

Sau 48 giờ lấy mẫu bề mặt cường độ cao bằng máy khoan và cánh tay robot, sứ mệnh đã cất cánh từ Mặt trăng, gắn mô-đun tái nhập vào quỹ đạo mặt trăng và quay trở lại Trái đất vào ngày 20/6.

Cập nhật: 26/06/2024 VTC
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video