Trung Quốc: Trồng cây dương xỉ cải tạo đất

Các nhà khoa học Trung Quốc đã dần dần hoàn thiện kỹ thuật trồng cây dương xỉ (Pteris vittata L.) để “hút” các nguyên tố kim loại nặng trong đất như thạch tín, đồng, kẽm… Với kỹ thuật này, họ hy vọng có thể giải quyết về cơ bản vấn đề ô nhiễm kim loại nặng ở vùng hạ du của Trung Quốc do quá trình khai khoáng gây nên.

Trong buổi trả lời phỏng vấn mới đây, nghiên cứu viên Chen Tong Bin (Trần Đồng Bân) của Viện nghiên cứu Tài nguyên và khoa học địa lý, thuộc Viện Khoa học Trung Quốc cho biết: họ trồng những loại cây có khả năng hấp thu các loại kim loại nặng hơn mức bình thường như loài cây dương xỉ trên vùng đất bị ô nhiễm để chúng hút kim loại nặng, sau đó họ sẽ “thu hồi” lại các kim loại nặng từ loài cây này để tách kim loại thuần ra làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp.

Trồng cây dương xỉ có thể cải tạo đất nhiễm kim loại nặng.


Nhóm nghiên cứu của Chen Tong Bin đã tiến hành một cuộc cải tạo quy mô lớn cho hơn 5000 mẫu đất nông nghiệp bị ô nhiễm ở huyện Hoàn Giang, thành phố Hà Trì tỉnh Quảng Tây. Sau mỗi đợt lũ lụt, đất ruộng và lưu vực sông ở các tỉnh Quảng Tây và Vân Nam đều bị ô nhiễm nặng do kim loại nặng nồng độ cao tràn xuống từ các khu khai khoáng, ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng sản xuất.

Theo số liệu của các cơ quan chức năng Trung Quốc, hiện nay nước này có gần 2.000 vạn ha đất canh tác bị ô nhiễm kim loại nặng, chiếm gần 20% tổng diện tích đất canh tác, hàng năm thiệt hại tới 1.000 vạn tấn lương thực, trực tiếp gây tổn thất kinh tế hơn 10 tỷ NDT.

Đội khôi phục đất ô nhiễm kim loại nặng của Chen Tong Bin bắt đầu điều tra tình trạng ô nhiễm kim loại nặng của đất trên toàn quốc từ năm 1997, đến năm 1999 họ đã phát hiện ra cây dương xỉ – loài cây đầu tiên trên thế giới được biết đến có khả năng siêu hút chất thạch tín.

Cho đến nay, họ đã phát triển được 3 kỹ thuật có bản quyền sở hữu trí tuệ về trồng cây phục hồi đất và đánh giá độ ô nhiễm của đất, họ cũng đã tìm được 16 loại cây khác cũng có khả năng hấp thu kim loại nặng trên lãnh thổ Trung Quốc.

Loài cây dương xỉ phân bố trên diện rộng ở miền Nam Trung Quốc, hàm lượng thạch tín ở trên lá của cây lên tới 8‰, vượt xa so với hàm lượng đạm, lân có trên thân cây mà cây vẫn phát triển tươi tốt. Khả năng hút thạch tín của loài cây này không ngừng tăng mạnh theo sự phát triển của cây, chúng còn có thể di truyền đặc tính này cho các cây thế hệ sau.

Hiện nay, nhóm nghiên cứu lần đầu tiên dùng kỹ thuật bức xạ đồng bộ và kính hiển vi điện tử scan môi trường để phân tích cơ chế chịu thạch tín của loài cây này trên thân cây sống.

Nghiên cứu của nhóm cũng đã phát hiện ra các sợi lông tơ trên cây dương xỉ có khả năng tập hợp thạch tín rất đặc biệt, những sợi lông có nước chính là nơi tích trữ chủ yếu của thạch tín, nó có tác dụng cách biệt rất rõ ràng đối với thạch tín, vì thế loại độc tố này bị “nhốt kín” ở một nơi an toàn trong thân cây nên không hề ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.

Tuyết Nhung

Theo VietNamNet/Thông tin công nghệ sinh học
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video