Trung Quốc và Pháp hợp tác khám phá vũ trụ với vệ tinh SVOM

Ngày 22/6, Trung Quốc đã phóng thành công vệ tinh giám sát vật thể biến thiên đa băng tần (SVOM) trên không gian, từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên.

Vào lúc 3 giờ chiều (giờ Bắc Kinh), tên lửa Trường Chinh-2C đã mang theo SVOM vươn lên bầu trời, đưa nó vào quỹ đạo cách Trái đất hơn 600km. Đây sẽ là vị trí lý tưởng để SVOM thực hiện sứ mệnh quan sát những vụ nổ tia gamma - những hiện tượng năng lượng mạnh mẽ nhất từng được ghi nhận trong vũ trụ.


Vệ tinh giám sát vật thể biến thiên đa băng tần. (Nguồn: Xinhua)

Trung Quốc và Pháp đã thành lập một nhóm chung gồm khoảng 100 nhà khoa học, với tỷ lệ thành viên Trung Quốc và Pháp lần lượt chiếm khoảng 60% và 40%. Mọi thành viên đều có quyền truy cập vào tất cả dữ liệu khoa học và dữ liệu của SVOM sẽ được chia sẻ với cộng đồng thiên văn quốc tế. Việc thiết kế, phát triển và vận hành vệ tinh cũng như phân tích dữ liệu và công bố kết quả nghiên cứu của SVOM được thực hiện bởi cả Trung Quốc và Pháp.

Với tuổi thọ thiết kế 5 năm và có thể lên đến 20 năm nếu hoạt động tốt, SVOM được kỳ vọng sẽ mang về những khám phá đột phá về vũ trụ. Nhà khoa học Wei Jianyan, trưởng nhóm nghiên cứu người Trung Quốc của SVOM, chia sẻ: "Chúng tôi tin tưởng rằng SVOM sẽ giúp giải mã những bí ẩn về những vụ nổ tia gamma sơ khai, từ đó hé mở bức tranh về sự tiến hóa của vũ trụ từ thuở hồng hoang".

SVOM được trang bị 4 thiết bị khoa học, trong đó có 2 thiết bị do Trung Quốc phát triển và 2 thiết bị do Pháp phát triển. Các thiết bị này có khả năng quan sát với trường quan sát rộng và độ chính xác cao, bao phủ một phần tư bầu trời, giúp dễ dàng phát hiện những vụ nổ trong không gian. Khi phát hiện được mục tiêu, vệ tinh sẽ tự động quay về phía mục tiêu đó và thực hiện quan sát trong thời gian dài với độ chính xác cao.

Theo nhà khoa học Wei Jianyan, những khám phá của SVOM sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc nghiên cứu sự tiến hóa của sao, từ đó giúp chúng ta giải đáp những câu hỏi khoa học hóc búa như nguồn gốc của các nguyên tố nặng như vàng và bạc trong vũ trụ.


Vệ tinh được phóng lên lúc 3 giờ chiều (giờ Bắc Kinh). (Nguồn: Xinhua).

Mục tiêu khoa học chính của SVOM bao gồm tìm kiếm và định vị nhanh chóng các vụ nổ tia gamma, đo và nghiên cứu toàn diện các đặc tính bức xạ điện từ của các vụ nổ này, nghiên cứu năng lượng tối và sự tiến hóa của vũ trụ, cũng như quan sát các tín hiệu điện từ liên quan đến sóng hấp dẫn.

Bertrand Cordier, nhà nghiên cứu chính người Pháp của SVOM, cho biết: "Bằng cách sử dụng các vụ nổ tia gamma làm công cụ để quan sát vũ trụ sơ khai, chúng ta có thể nhìn thấy những ngôi sao đầu tiên, điều này rất thú vị vì đây là cách duy nhất để có được thông tin về vũ trụ ở thời đại này".

SVOM không chỉ là một vệ tinh mà còn là một hệ thống phức tạp sử dụng các thiết bị liên kết cả trong không gian và trên mặt đất, có thể giao tiếp trong thời gian rất ngắn.

Cập nhật: 24/06/2024 SKĐS
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video