Hôm qua (21/2), Trung Quốc đã kêu gọi Mỹ cung cấp thông tin về vụ bắn hạ vệ tinh do thám USA 193 và tỏ ý lo ngại về những hậu quả tiềm năng của hành động này đối với thế giới.
"Trung Quốc tiếp tục theo dõi chặt chẽ những hậu quả mà hành động của Mỹ có thể gây ra đối với an ninh vũ trụ và đối với các quốc gia khác. Trung Quốc yêu cầu Mỹ tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế và nhanh chóng cung cấp cho cộng đồng quốc tế thông tin cần thiết và dữ liệu liên quan để các quốc gia liên quan có thể tiến hành các biện pháp phòng ngừa", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Liu Jianchao nói.
Tên lửa SM-3 của Mỹ được phóng lên từ tàu chiến USS Lake Erie (Ảnh: Reuters) |
Tuy nhiên, vụ bắn hạ đã khiến một số nước lo ngại rằng Mỹ đang thử một loại vũ khí chống vệ tinh, trong bối cảnh căng thẳng thế giới leo thang về nguy cơ chạy đua vũ trang trong vũ trụ. Bộ Quốc phòng Nga nói rằng kế hoạch của Mỹ dường như che đậy một vụ thử vũ khí và là "âm mưu đưa cuộc chạy đua vũ trang lên vũ trụ".
Phản ứng của Trung Quốc hôm 21/2 ít gay gắt hơn những tuyên bố mà Trung Quốc đưa ra hồi đầu tuần này. Trung Quốc đã chịu áp lực lớn tương tự hồi năm 2007 khi phóng tên lửa đạn đạo phá hủy các vệ tinh thời tiết cũ kỹ, trở thành quốc gia thứ ba sau Mỹ và Liên Xô làm việc này.
Nhiều nhà phân tích cho rằng khả năng bắn hạ các vệ tinh có ý nghĩa quyết định đối với các cuộc xung đột trong tương lai do nhiều thiết bị quân sự hiện đại phụ thuộc vào thông tin vệ tinh. Đô đốc Timothy Keating, tư lệnh Mỹ tại Thái Bình dương, đã thừa nhận vụ việc hôm 21/1 tương tự vụ Trung Quốc bắn hạ vệ tinh song nói rằng trường hợp của Mỹ khác biệt lớn do Mỹ đã thông báo công khai việc này trước khi làm.
Tình hình trở nên căng thẳng hơn khi Nga và Trung Quốc tuần trước đề xuất một hiệp ước mới nhằm cấm triển khai mọi loại vũ khí trong không gian. Tuy nhiên, Mỹ đã bác bỏ đề xuất này.
Sơ đồ vụ bắn hạ vệ tinh do thám bằng tên lửa, được bắn lên từ một tàu chiến nằm ở phía tây Hawaii. (Ảnh: BBC) |