Cải thiện sàng lọc chi tiết người hiến tạng sẽ hạn chế được tỷ lệ lây truyền ung thư và những bi kịch y tế tương tự.
Một trường hợp y khoa hi hữu vừa được báo cáo trên tạp chí American Journal of Transplantation. Trong đó, 4 bệnh nhân lần lượt mắc ung thư sau khi nhận nội tạng cấy ghép từ cùng một người hiến tặng.
Người hiến tặng là một phụ nữ 57 tuổi chết vì đột quỵ. Nhưng các xét nghiệm sàng lọc vô cùng cẩn mật không phát hiện được sự hiện diện của ung thư trong cơ thể bà. Kết quả là phổi, gan, tim và 2 bên thận của người phụ nữ đã được cho đi để cứu sống 5 bệnh nhân khác, nhưng vô tình, chúng đã đem cái chết đến cho ít nhất 3 bệnh nhân.
Các nhà nghiên cứu mô tả đây là một trường hợp đặc biệt chưa từng thấy. Về mặt nguyên tắc, tất cả những bệnh nhân có khối u ác tính sẽ không thể hiến tạng. Nhưng điều này vẫn xảy ra ở tỷ lệ từ 0,01-0,05%, nghĩa là từ 1-5 người bị lây ung thư trong mỗi 10.000 ca ghép tạng, do bênh ung thư của người hiến tặng không được phát hiện.
Trường hợp y tế chưa từng có ghi nhận 4 bệnh nhân lây ung thư sau khi nhận tạng ghép từ cùng một người.
Nghiên cứu được dẫn dắt bởi bác sĩ chuyên khoa Frederike J. Bemelman tại Trung tâm Y khoa Học thuật, Amsterdam viết:
"Nhiều báo cáo trước đây cho thấy lây nhiễm ung thư có thể xảy ra trong quá trình cấy ghép nội tạng rắn. Tuy nhiên, đây là báo cáo đầu tiên mô tả sự lây truyền ung thư vú sau thủ tục cấy ghép đa tạng, từ một người hiến tặng đến bốn người nhận".
Trong trường hợp này, người hiến tạng là một phụ nữ 53 tuổi, chết vì đột quỵ vào năm 2007. Trước khi qua đời, bà đã trải qua các thủ tục kiểm tra y tế toàn diện, bao gồm chụp X-quang, siêu âm và các xét nghiệm khác. Mặc dù vậy, các bác sĩ không phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào của những khối u ác tính.
Ngay sau khi qua đời, các nội tạng của bà đã được cấy ghép cho 5 bệnh nhân khác đang chờ sẵn. Sau đó 5 tháng, một bệnh nhân đầu tiên – người nhận được trái tim – tử vong vì nhiễm trùng huyết, nguyên nhân không liên quan đến ung thư.
Trong những tháng tiếp theo, các bệnh nhân còn lại bắt đầu có nhiều biểu hiện bất thường. Tháng 8 năm 2008, ở tháng thứ 10 sau ca cấy ghép, người phụ nữ nhận 2 lá phổi gặp nhiều rối loạn chức năng.
Xét nghiệm cho thấy sự xuất hiện của ung thư trong tế bào biểu mô. Sau đó, ung thư lan ra nhiều vị trí khác trong cơ thể. Người phụ nữ này qua đời vào năm 2009, vì ung thư vú có nguồn gốc từ người hiến tạng.
Sau cái chết của cô, các bác sĩ đã ngay lập tức kiểm tra người đã nhận quả thận bên trái, là một phụ nữ 62 tuổi. Các xét nghiệm ban đầu không cho thấy bà bị ung thư và không cần thiết phải cắt bỏ cơ quan đã nhận.
Tuy nhiên, sự thật là thế bào ung thư đã âm thầm lây lan. Sau 5 năm, các xét nghiệm tiết lộ chúng đã di căn vào thận, gan, xương và các vị trí khác trong cơ thể bà. Hai tháng sau - đúng 6 năm sau ca cấy ghép thành công - người phụ nữ nhận thận trái qua đời.
Một người hiến tạng có thể cứu sống 8 người khác, nhưng trong trường hợp hi hữu, điều ngược lại có thể xảy ra.
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với một phụ nữ 59 tuổi – người đã nhận lá gan hiến tặng. Sau 4 năm từ ca cấy ghép, bà phát hiện một khối u có cùng nguồn gốc với hai bệnh nhân trước đó. Người phụ nữ đã điều trị ung thư và sống thêm được 3 năm.
Vậy là sau khi được ghép gan, bà chỉ sống thêm được 7 năm.
Trong số 4 người nhận tạng, một người may mắn nhất vẫn còn sống sau khi mắc bệnh ung thư. Đó là một nam giới trung niên, 32 tuổi, người đã được ghép quả thận bên phải, sau đó cũng phát hiện ung thư biểu mô vào năm 2011.
Điểm khác biệt là ngay sau đó, người đàn ông này đã quyết định cắt bỏ quả thận này. Và các liệu pháp điều trị ung thư đã thành công trong việc ức chế căn bệnh cho anh đến tận bây giờ.
"Từ tháng 8 năm 2012, sự thuyên giảm hoàn toàn đã được ghi nhận [trên bệnh nhân 32 tuổi này]", các tác giả viết. "Lần xét nghiệm lại cuối cùng vào tháng 4 năm 2017, bệnh nhân vẫn không có dấu hiệu của khối u và anh ta muốn được ghép lại một quả thận mới lần nữa".
Cho tới thời điểm này, không một ai biết ung thư đã lây truyền như thế nào ở mỗi bệnh nhân. Nhưng các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết – rằng các thuốc ức chế miễn dịch (làm yếu hệ miễn dịch để cơ quan cấy ghép không bị đào thải) đã giúp các tế bào ung thư không bị phát hiện lây lan mạnh.
Thống kê chỉ ra rằng, các biện pháp sàng lọc người hiến tặng có thể hạn chế tỷ lệ lây truyền ung thư xuống tới mức 0,01 - 0,05%. Nhưng sự thật, điều không may này vẫn xảy ra một lần trong mỗi 2.000-10.000 ca cấy ghép.
Bởi vậy, các tác giả nghiên cứu nhấn mạnh trong báo cáo, tiếp tục sàng lọc chi tiết người hiến tặng nội tạng sẽ hạn chế được tỷ lệ lây truyền ung thư và những bi kịch y tế tương tự. Ngoài ra, nếu nó không may có lặp lại một lần nữa, việc phát hiện sớm, loại bỏ nội tạng đã cấy ghép và điều trị để quản lý ung thư là cần thiết và vẫn đem lại cơ hội sống cao cho người nhận.