Truy tìm thủ phạm khiến vùng kín người đàn ông có "vật thể lạ", sưng phồng, chạy lên bụng

Người đàn ông 31 tuổi ở Hà Nội rất ngạc nhiên vì nhiều đợt thấy vùng da bìu trái sưng phồng thành mảng, kích thước lớn, ngứa, sẩn nề và đau. Tổn thương còn di chuyển dần lên vùng dưới rốn, sang bụng trái rất lạ.

Điều kỳ lạ là cứ cách 3-4 ngày, anh lại thấy tổn thương di chuyển dần lên da vùng dưới rốn, sang thành bụng bên bên trái với các triệu chứng tương tự.

Chịu không nổi, sau 3 ngày, anh đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ khám, chẩn đoán sơ bộ bị nhiễm ấu trùng di chuyển dưới da do ký sinh trùng.

Khai thác tiền sử, anh nói rất thích ăn thịt ếch nướng. Nam bệnh nhân trên đây có đầy đủ các triệu chứng lâm sàng điển hình, yếu tố tiền sử ăn uống, bạch cầu ái toan tăng, huyết thanh học dương tính của bệnh ấu trùng giun đầu gai.


Tổn thương di chuyển lên vùng rốn rồi sang thành bụng bên trái. (Ảnh: BVCC)

Bác sĩ cấp thuốc Albendazol 400mg cho anh uống trong 21 ngày. Mới đến ngày thứ 8, tổn thương thành bụng bên trái khu trú lại, giảm ngứa, giảm đau, sần nề xẹp dần. Đặc biệt, anh còn tự bắt được bệnh phẩm nghi ngờ ký sinh trùng từ vị trí tổn thương.


Bệnh phẩm ký sinh trùng bắt được từ vị trí tổn thương.

Gần đây, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cũng tiếp nhận một số bệnh nhân mắc giun đầu gai đến khám với các biểu hiện ngứa ngáy, nổi mề đay. Các bệnh nhân đều có lịch sử từng khám ở nhiều phòng khám da liễu, tìm không ra nguyên nhân.

Bệnh giun đầu gai ở người gây ra bởi nhiều loài giun tròn ký sinh giống Gnathostoma thuộc lớp giun tròn nhưng đều có gai nên gọi là “giun đầu gai”.

Người bị bệnh do ăn sống hoặc thịt chưa được nấu chín kỹ của các loại cá nước ngọt, lươn, ếch, chim và bò sát (như rắn), cyclops (một loài sinh vật phù du, hay còn gọi là rận nước chân chèo) có chứa ấu trùng giai đoạn 3 của giun đầu gai Gnathostoma spp.

Nghiên cứu do PGS-TS Nguyễn Văn Chương, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng – Côn trùng Quy Nhơn và cộng sự mới đây cho thấy, tỷ lệ người dân ăn thuỷ sản chưa nấu chín nơi vùng được khảo sát ở mức cao. Cụ thể, có 16% người dân Bình Định ăn lươn chưa nấu chín, tỷ lệ này với ngao sò là 6,9%, cá quả là 3,2%. Còn tại Quảng Ngãi, tỷ lệ tương ứng là 13,2 – 6,9 và 3,2%.

Theo PGS Chương, có mối liên quan giữa ăn lươn chưa nấu chín với nhiễm giun đầu gai ở người. Theo đó, nguy cơ nhiễm giun đầu gai ở người ăn lươn chưa nấu chín cao gấp 5 lần người không ăn.

Có thể xuất hiện dấu hiệu bệnh sau 10 năm từ khi bị nhiễm ấu trùng giun đầu gai

Sau 2-4 tuần kể từ khi nhiễm ấu trùng giun đầu gai, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, ăn kém, buồn nôn và nôn, tiêu chảy, đau bụng không rõ ràng.

Các vùng sưng, u dưới da thường xuất hiện sau khoảng 3–4 tuần. Tuy nhiên, y học đã từng ghi nhận các trường hợp có dấu hiệu bệnh xuất hiện sau khoảng 10 năm từ khi bị nhiễm.

Nếu ấu trùng di chuyển đến da và mô mềm – thể dễ gặp nhất, bệnh nhân có thể bị tổn thương da ở dạng một nốt, mụn nhỏ, khối phù nề; có sưng, nóng, đỏ, đau.

Do sự chuyển động của ấu trùng, bệnh nhân cũng có thể có các đợt phù cục bộ tại vị trí tổn thương, có tính di chuyển.

Bệnh nhân cũng dễ bị ngứa, mề đay, chủ yếu tại vị trí tổn thương. Đây là nguyên nhân khiến nhiều bệnh nhân đi “chữa nhầm” sang viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc…

Ấu trùng giun đầu gai di chuyển có thể gặp khắp nơi trong cơ thể như chi trên, vùng thắt lưng, chi dưới, mặt vai cổ, vùng bụng và ngực, lưng và mông.

Nguy hiểm hơn, ở một số trường hợp, ký sinh trùng có thể chui vào các cơ quan như gan, mắt, não, tủy sống và gây ra các triệu chứng liên quan như giảm thị lực, mù, đau dây thần kinh, liệt, hôn mê và có thể dẫn đến tử vong.

Để phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế ăn món có nguy cơ nhiễm bệnh, không ăn các thức ăn thủy hải sản tái hoặc chưa chín (cá, ếch, nhái, tôm); sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, không uống nước lã dễ có Cyclops.

Khi có biểu hiện bất thường như ngứa dưới da, có các ổ áp xe trong gan, não… phát hiện qua chụp chiếu, cần nghĩ đến bệnh do ký sinh trùng gây nên.

Cập nhật: 28/10/2024 Vietnamnet
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video