Truyền thông khoa học công nghệ: Dễ hay khó?

Nhằm đẩy mạnh hoạt động truyền thông KH-CN, mới đây Cơ quan đại diện Bộ KH-CN tại TP.HCM đã tổ chức gặp mặt một số phóng viên báo, đài để trao đổi, thảo luận thêm về chủ đề này.

Dưới góc độ nhà quản lý khoa học, TS. Bùi Văn Quyền, Vụ trưởng Cơ quan đại diện Bộ KH-CN tại TP.HCM cho biết: hoạt động thông tin KH-CN hiện vẫn gặp một số bất cập, hạn chế về nguồn lực thông tin, việc liên kết chia sẻ nguồn tin chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, việc thu thập, cập nhật, tổng hợp, lưu giữ phổ biến và khai thác sử dụng thông tin KH-CN cũng đang gặp phải một số hạn chế, khó khăn nhất định. 

Các phóng viên báo, đài tham gia hội thảo "Đẩy mạnh hoạt động truyền thông KH-CN" tổ chức tại TP.HCM ngày 23/10.(Ảnh :ML)


Lỗi do… nhà khoa học?

Theo TS. Bùi Văn Quyền, việc phổ biến, truyền thông KH-CN ra cộng đồng tuy chỉ là một trong các nội dung của hoạt động thông tin KH-CN nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt liên quan đến việc phát triển thị trường thông tin, thậm chí góp phần thúc đẩy thị trường công nghệ.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế đó là hoạt động truyền thông KH-CN hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng, việc phổ biến, khai thác và sử dụng thông tin KH-CN phục vụ cho nghiên cứu của các nhà khoa học đã là vấn đề khó nhưng việc đưa thông tin đó ra cộng đồng lại càng khó hơn.

Phải khẳng định rằng các viện, trường đại học là nguồn cung cấp thông tin KH-CN quan trọng nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện đội ngũ các nhà khoa học vẫn chưa thực sự coi trọng công tác truyền thông KH-CN. Vì thế hoạt động này vẫn chưa mở rộng được thông tin KH-CN theo hướng xã hội thông tin.

Cũng theo ông Quyền, hoạt động truyền thông KH-CN có những đặc điểm riêng xuyên suốt từ khâu thu nhập thông tin đến việc tuyên truyền, phổ biến. Hơn nữa, thông tin KH-CN không dồi dào cộng với tính phức tạp của nó càng khiến thông tin KH-CN không hấp dẫn như những thông tin khác trong đời sống xã hội. Trong khi đó, hầu hết các thông tin này lại được biên soạn ở dạng thức các báo cáo khoa học nên phần lớn công chúng khó tiếp nhận.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, TS. Bùi Văn Quyền cho biết hạn chế cố hữu là phần lớn các nhà khoa học thường không thích giới thiệu, thậm chí không muốn viết về những kết quả mình làm. Tâm lý này vô hình trung đã gây không ít khó khăn cho các phóng viên trong việc tiếp cận các nhà khoa học.

“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng chủ yếu là do nếp nghĩ nếp làm của chúng ta chưa đổi mới kịp với yêu cầu đổi mới hoạt động KH-CN, thậm chí là chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa làm và nói” - ông Quyền phân tích.

Hay do nhà báo?

Nói về mối quan hệ giữa nhà báo với khoa học và các cơ quan nghiên cứu khoa học, bà Đoàn Nguyễn Thùy Trang, Phó Tổng biên tập Báo Khoa học Phổ thông - Thường trực Câu lạc bộ phóng viên KHCN- Hội Nhà báo TP.HCM cho biết: Nhà báo và nhà khoa học dù có công việc khác nhau nhưng gặp nhau ở một số điểm đó là nhu cầu thông tin, coi trọng sự chính xác, khách quan và có trách nhiệm xã hội.

Theo bà Trang, có 3 hình thức hợp tác giữa các nhà khoa học và nhà báo (nhà báo-nhà khoa học có quan hệ đồng tác giả; nhà khoa học viết - Nhà báo sửa đổi bổ sung cho phù hợp; nhà báo viết - Nhà khoa học cung cấp thông tin), tùy thuộc vào quỹ thời gian, quy mô vấn đề và các cá nhân tham gia mà chọn tính chất hợp tác trong từng trường hợp cụ thể.

Sự cố thông tin về bưởi gây ung thư đã khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang...(Ảnh minh họa)


Cũng theo bà Trang, hiện một số nhà khoa học rất ngại các phóng viên trích dẫn sai ý kiến hoặc diễn đạt theo xu hướng giật gân hóa câu chuyện có thể làm ảnh hưởng đến uy tín xã hội của họ.

Một trong những bất cập nữa của hoạt động báo chí trong lĩnh vực khoa học là sự quá phức tạp và phong phú của các kết quả nghiên cứu mới so với khả năng hạn chế trong công tác viết bài, biên tập khoa học của các nhà báo.

Cũng theo bà Trang, để làm tốt công tác của mình, phóng viên viết khoa học cần nắm vững quy trình nghiên cứu khoa học, hay ít ra cũng hiểu được các hoạt động khoa học, đồng thời tích lũy kiến thức chuyên môn cơ bản về lĩnh vực này.

Hiện trên thực tế, rất nhiều các nhà báo, phóng viên viết khoa học cho biết, vấn đề khó khăn mà họ gặp phải chính là việc định hướng truyền thông khoa học ở mỗi ngành, mỗi lĩnh vực cũng như gặp khó trong việc lấy thông tin, tiếp cận nguồn tin và xử lý các thông tin có tính chất chuyên sâu. Những khó khăn này vô hình trung đã làm giảm đi số lượng và chất lượng bài viết về KH-CN của các nhà báo/phóng viên viết khoa học hiện nay.

Truyền thông khoa học công nghệ bắt đầu từ đâu?

Từ thực trạng hoạt động tuyên truyền KH-CN trong thời gian qua cũng như khẳng định những yêu cầu đặt ra cho hoạt động truyền thông, hoạt động dịch vụ thông tin trong nền kinh tế thị trường như hiện nay.

Theo TS. Bùi Văn Quyền, trước mắt cần đẩy mạnh công tác truyền thông KH-CN theo hướng gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học ở các viện, trường, doanh nghiệp. Đưa viện, trường gần hơn với doanh nghiệp, nhà khoa học gần hơn với doanh nhân…

Từ đó, nâng cao nhận thức về trách nhiệm và lợi ích của hoạt động truyền thông KH-CN ngay từ trong các tổ chức KH-CN. Đồng thời, nâng số lượng và chất lượng thông tin tiến tới đa dạng hóa các hình thức phổ biến pháp luật, chính sách về KH-CN đặc biệt các chính sách liên quan đến khu vực sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, sự cần thiết trong việc đổi mới phương thức hoạt động trong các tổ chức chuyên trách công tác thông tin KH-CN từ trung ương đến các ngành và địa phương cũng như đẩy mạnh các dịch vụ thông tin KH-CN có thu nhằm từng bước chuyển đổi và phát triển thị trường thông tin - sở hữu trí tuệ… cũng cần được quan tâm hơn.

“Sự kết hợp chặt chẽ giữa các nhà khoa học có tinh thần báo chí và các nhà báo có tinh thần khoa học cũng cần được phát huy để chuyển hóa các thông tin KH-CN vốn đã ít, khó viết, khó hiểu, thiếu tính hấp dẫn đến với công chúng” – ông Quyền chia sẻ.

Theo Vietnamnet
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video