Những hình ảnh nổi tiếng của loài khủng long lớn nhất được biết đến, từ phim ảnh đến các bộ xương trong bảo tàng, hầu hết đều có tư thế sai, theo một nghiên cứu mới.
Sauropod là biểu tượng của sinh vật thời tiền sử. Chúng dài 30 mét, nặng bằng khoảng 10 con voi, và có thể dễ dàng nhận ra với cổ dài và đầu nhỏ. Chúng thường được đặt ở vị trí trung tâm của hầu hết các bảo tàng lịch sử tự nhiên trên toàn thế giới.
Những hình ảnh minh họa gần đây ví dụ như Walking With Dinosaurs của BBC thể hiện những con khủng long này với cổ nằm ngang và đầu gần mặt đất. Nhưng các nhà khoa học cho rằng sauropod với tư thế đầu cúi thấp là một sai lầm: bằng chứng mới cho thấy chúng nâng cổ lên cao giống như hươu cao cổ và các loài vật có xương sống sống trên cạn, khiến chúng có chiều cao 15 mét.
Tiến sĩ Mike Taylor và Tiến sĩ Darren Naish thuộc Đại học Portsmouth, cùng Tiến sĩ Matt Wedel, thuộc Đại học Y khoa tại California, tranh luận rằng mặc dù sauropod có thể đưa cổ xuống thấp, nhưng đó không phải là tư thế tự nhiên của chúng.
Họ nghiên cứu hình ảnh X quang của thành viên 10 loài vật có xương sống khác nhau và phát hiện rằng cổ của kỳ nhông, rùa, thằn lằn và cá sấu hơi nghiêng một chút, còn cổ của động vật và có vú nằm thẳng đứng – nhóm động vật hiện đại duy nhất có dáng chân đứng thẳng giống khủng long.
Tiến sĩ Taylor cho biết: “Giống như loài vật ngày nay, hầu hết thời gian chúng nâng cổ lên cao, trừ khi uống nước hoặc tìm kiếm thức ăn dưới thấp”.
Động vật có xương sống hiện đại, từ mèo đến người đến họ hàng gần nhất với sauropod, loài chim, nâng cổ lên cao theo chiều thẳng đứng hoặc gần thẳng đứng.
Tiến sĩ Wedel giải thích: “Chúng ta không thể chỉ dựa vào những bộ xương hóa thạch. Để hiểu rõ lối sống của khủng long, chúng ta cần phải nhìn vào những loài vật ngày nay. Trong trường hợp này, bằng chứng của chúng tôi cho thấy hiện tại là chìa khóa cho quá khứ”.
Hình ảnh minh họa của khủng long sauropod với tư thế đúng. (Ảnh: Mark Witton) |
Xương cổ của sauropod nối liền với nhau chủ yếu là nhờ các khớp cầu và khớp ống lồng. Thêm vào đó, phần trên cùng của mối đốt xương có một cặp các mặt khớp, hai ở đằng trước và hai ở đằng sau, trượt khỏi nhau khi cổ của chúng uốn cong.
Tiến sĩ Taylor cho biết: “Các nhà khoa học cho rằng mối cặp khớp luôn chồng lên nhau 50%, nhưng nhìn vào đà điểu và hươu cao cổ, chúng ta thấy rằng những mặt khớp của chúng có thể trượt ra xa hơn nhiều, cho đến khi chúng gần như không chồng lên nhau. Điều này có nghĩa rằng sauropod có khả năng di chuyển cổ rộng hơn nhiều so với những suy nghĩ trước đây”.
"Trừ khi sauropod hoàn toàn khác so với động vật có xương sống ngày nay, còn không chúng tôi cho rằng phần gốc cổ của loài vật này vòng lên phía trên. Ở một số con sauropod, điều này có nghĩa rằng cổ vòng hình chữ S giống như thiên nga, và nhìn khá khác so với những tái tạo chúng ta thường thấy ngày nay”.
Tư thế cổ thấp của sauropod đã được sử dụng ở rất nhiều đồ chơi bằng nhựa và đã trở thành một phần của dòng văn hóa chính thống, nhờ vào chương trình Walking with Dinosaurs của BBC cũng như các trưng bày của bảo tàng ví dụ như Bảo tàng lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ tại New York.
Giáo sư Mike Benton tại Khoa khoa học Trái Đất - Đại học Bristol, cho biết: “Việc hiểu rõ chức năng và hoạt động của khủng long sauropod là một điều hết sức quan trọng. Chúng rất to lớn – gấp 10 lần kích thước một con voi – và chúng là loài vật thành công và phổ biến vào thời điểm đó. Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng rằng sauropod đưa cổ lên cao, chứ không đặt nằm ngang”.
“Nghiên cứu dựa trên động vật hiện đại, nhưng bước tiếp theo là thực hiện những nghiên cứu về vị trí của cổ liên hệ với sự hiệu quả về mặt năng lượng. Nếu bạn có một cái cổ dài nặng hàng tấn thì bạn phải đặt nó ở một vị trí phù hợp để áp lực là nhỏ nhất”.
Tài liệu tham khảo:
Michael P. Taylor, Mathew J. Wedel, and Darren Naish. Head and neck posture in sauropod dinosaurs inferred from extant animals. Acta Palaeontologica Polonica, 54 (2), 2009: 213-220