Tuabin gió SUMR50 cao 500m có thể cung cấp điện cho 50.000 hộ gia đình chỉ sau một lần quay cánh quạt.
6 viện lớn ở Mỹ, đứng đầu là Đại học Virginia, đang hợp tác phát triển dự án tuabin gió cao 500m mang tên SUMR50, phá vỡ kỷ lục tuabin gió lớn nhất thế giới hiện nay, International Business Times hôm 28/6 đưa tin.
Khi hoàn thành, tuabin gió SUMR50 sẽ cao hơn tòa nhà Empire State Building ở New York, Mỹ (381m). (Ảnh minh họa: Reuters).
Trang bị cánh quạt dài 200m có thể thay đổi hình dáng theo hướng gió, SUMR50 đạt công suất 50 megawatt điện, cao hơn 10 lần so với phần lớn các hệ thống hiện nay chỉ sản xuất 5-8 megawatt tùy theo quy mô.
Tuabin gió càng lớn càng khai thác được nhiều sức gió hơn, khiến giá thành sản xuất điện càng rẻ hơn. Độ cao lớn cho phép thu năng lượng từ những cơn gió thổi nhanh hơn. Ước tính một tuabin gió lớn như SUMR50 có thể cung cấp điện cho 50.000 hộ gia đình với chỉ một vòng quay cánh quạt.
Hiện nay, tuabin gió lớn nhất thế giới đang vận hành tên là MHI Vestas, cao 195m và có cánh quạt dài 80m. Tuabin này được sử dụng trong dự án Burbo Bank của công ty Dong Energy, nằm ở vịnh Liverpool của nước Anh. Mỗi tuabin có công suất 8 megawatt, có thể cấp điện cho một hộ gia đình trong suốt 29 giờ.
SUMR50 cũng hoạt động được ngoài khơi với khả năng thu những cơn gió mạnh từ đại dương và chống chịu giông bão nhờ thiết kế hình cột linh hoạt, có thể uốn cong và điều chỉnh giống như cây cọ. Khi gió trở nên quá mạnh để vận hành bình thường (trên 80km/h), cánh quạt tuabin được gập lại để tránh bị hư hỏng. Các nhà nghiên cứu hy vọng thiết kế tiên tiến sẽ giúp công trình trụ vững trước sức gió lên tới 285km/h.
Độ cao của SUMR50 bỏ xa tháp Eiffel và tượng Nữ thần Tự do. (Ảnh: Chao Qin).
"Những cây cọ thực sự cao nhưng có cấu trúc siêu nhẹ. Nếu gió thổi mạnh, thân cây có thể uốn cong. Chúng tôi đang cố gắng vận dụng cơ chế tương tự để thiết kế tuabin gió linh hoạt, giúp công trình điều chỉnh trước luồng gió", Eric Loth, chỉ đạo dự án, cho biết.
Xây dựng công trình lớn cỡ SUMR50, đặc biệt ở giữa đại dương, không phải nhiệm vụ dễ dàng. Để giải quyết vấn đề hậu cần, các nhà nghiên cứu nảy ra ý tưởng cánh quạt phân đoạn, cho phép đội thi công vận chuyển và lắp ráp các phần riêng biệt của cánh quạt dài 200m.
Một mô hình thử nghiệm cỡ nhỏ của công trình đang được chế tạo để giúp đội thi công lên phương án xây dựng. "Đây là một ý tưởng rất mới, do đó không có gì đảm bảo công trình sẽ hoạt động tốt. Nhưng một công trình như vậy sẽ cách mạng hóa công nghệ khai thác phong năng ngoài khơi", Loth nói.