Ngày nay, số phụ nữ sinh nở trong độ tuổi 35-49 tăng gấp 3 lần so với những năm 1970. Sau đây là những điều chờ đợi các bạn khi mang thai trong độ tuổi 20, 30 và 40.
Mang thai trong độ tuổi 20
Những người phụ nữ khỏe mạnh trong độ tuổi này thường dễ có thai hơn cả. Nếu muốn thì trung bình họ chỉ cần 2 tháng để có thai, tỷ lệ sảy thai thấp (chỉ khoảng 10%) và ít cần tới chăm sóc y tế đặc biệt trong thai kỳ. Những lợi thế khác khi mang thai và sinh nở khi còn trẻ là nguy cơ thai nhi mắc hội chứng Down và các rối loạn do nhiễm sắc thể thấp, cũng như tỷ lệ phải mổ đẻ rất thấp.
Tuy nhiên, trẻ hơn không phải luôn đồng nghĩa với tốt hơn. Theo thống kê, phụ nữ 20-24 tuổi dễ có nguy cơ tăng huyết áp và albumin niệu cao hơn so với độ tuổi 25-30. Phụ nữ ở độ tuổi này cũng dễ sinh con nhẹ cân hơn so với độ tuổi 25-34 vì thói quen ăn uống và sinh hoạt chưa khoa học. Ví dụ, họ thường hút thuốc lá nhiều hơn và điều này tăng gấp đôi nguy cơ sinh con nhẹ cân. Những người phụ nữ trẻ cũng thường chủ quan hoặc thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, trọng lượng cơ thể trong thai kỳ tăng thấp hơn định mức cần thiết (bình thường khoảng 11-16 kg) nên con sẽ nhẹ cân hơn. Trẻ sinh nhẹ cân có nguy cơ cao về sức khỏe và điều này rất tiếc là có ảnh hưởng kéo dài trong cuộc đời sau này của trẻ.
Mang thai trong độ tuổi 30
Bạn mang thai sẽ khó khăn hơn, khả năng thụ thai thấp hơn do chu kỳ rụng trứng bắt đầu rối loạn, thời gian trung bình để thụ thai sẽ dài hơn, khả năng sinh sản bắt đầu giảm, tuy khá chậm, nhưng nguy cơ trẻ mắc hội chứng Down và các rối loạn do nhiễm sắc thể tăng lên.
Tuổi 35 được coi là mốc quan trọng, khi các vấn đề do mang thai bắt đầu thể hiện rõ nét hơn. Tuy hầu hết phụ nữ trên 34 tuổi sinh con khỏe mạnh, nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy độ tuổi này có nhiều vấn đề.
Theo số liệu thống kê của Hội Y học sinh sản Mỹ, khoảng 1/3 phụ nữ trên 35 tuổi khó thụ thai. Ngoài ra, phụ nữ độ tuổi này dễ bị sảy thai hơn những phụ nữ trẻ tuổi. Kết quả điều tra gần đây tại Đan Mạch cho thấy 20% phụ nữ độ tuổi 35-39 bị sảy thai.
Nếu bạn trên 34 tuổi, bạn sẽ được đề nghị xét nghiệm nước ối để tầm soát hội chứng Down và các rối loạn do nhiễm sắc thể. Thai phụ ở độ tuổi 35 có nguy cơ sinh con mắc hội chứng Down rất cao (tỷ lệ là 1/378 trường hợp). Phụ nữ trên 35 tuổi mang thai dễ mắc các vấn đề như bệnh đái tháo đường, đẻ non, trẻ sinh ra nhẹ cân cũng như các vấn đề về nhau thai trong suốt quá trình mang thai.
Bệnh lý phổ biến nhất là nhau tiền đạo, khi nhau thai che lấp một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung, điều này có thể gây chảy máu ồ ạt trong quá trình sinh nở, tuy nhiên nguy cơ này thường có thể khắc phục bằng mổ đẻ.
Mang thai trong độ tuổi 40
Ngày nay, việc phụ nữ sinh nở lần đầu trong độ tuổi 40 không còn hiếm gặp. Tuy nhiên, với phụ nữ mang thai ở tuổi này tình hình có thể phức tạp hơn, khoảng 50% gặp trở ngại trong việc thụ thai. Đối với nhiều người, những nguy cơ khi mang thai tương tự như ở tuổi 35-39. Hai nguy cơ gia tăng rõ rệt là các rối loạn do nhiễm sắc thể, ví dụ hội chứng Down (nguy cơ với tỷ lệ 1/100 đối với tuổi 40 và 1/30 đối với tuổi 45) và sảy thai. Theo điều tra tại Đan Mạch, nguy cơ sảy thai là 50% với tuổi 42.
Phụ nữ mang thai trong độ tuổi này có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường cao gấp 3 lần so với các bà mẹ trong độ tuổi 20. Bạn cũng có thể gặp nhiều vấn đề hơn khi sinh nở, ví dụ như mất cơn co tử cung và suy tim thai, đó là lý do tại sao thường phải mổ đẻ. Điều tra mới đây của Viện Y khoa thuộc Đại học Harvard cho thấy tỷ lệ này là 43%.
Lời khuyên cho phụ nữ ở mọi độ tuổi
May mắn thay, nhiều nguy cơ nói trên vẫn có thể phòng ngừa được. Nhờ thế ở độ tuổi nào, bạn vẫn có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh, miễn là bạn có sức khỏe tốt, được chăm sóc sức khỏe sinh sản sớm và có nếp sinh hoạt lành mạnh, khoa học. Theo các nhà y học, không phụ thuộc độ tuổi, các bước sau đây sẽ cho bạn cơ hội sinh con mạnh khỏe:
- Đọc kỹ hướng dẫn thăm khám thai của thầy thuốc. Điều này đặc biệt quan trọng, nếu bạn mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp hay đái tháo đường. Các hướng dẫn của thầy thuốc cũng sẽ giúp bạn xác định các loại thuốc nào có thể sử dụng để điều trị trong thai kỳ.
- Uống bổ sung các loại vitamin, axit folic. Bắt đầu từ trước khi mang thai và tiếp tục trong tháng đầu tiên, nhằm giúp thai nhi tránh các di chứng của não và tủy sống.
- Khám thai sớm và thường xuyên. Chăm sóc sức khỏe sinh sản nhằm giúp thai kỳ diễn ra thuận lợi, đồng thời bảo đảm an toàn và sức khỏe cho bạn và thai nhi.