Tương lai bấp bênh của những dòng sông bay

Những "dòng sông bay" cung cấp phần lớn lượng nước mưa cho rừng Amazon và khu vực Nam Mỹ, nhưng sự tồn tại của chúng đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu.

Theo National Geographic, “sông bay” ở Nam Mỹ thực chất là luồng khí khổng lồ mang hơi nước trong không trung. Những luồng khí này đưa hơi nước từ lưu vực Amazon tới những khu vực ở phía nam, trong đó có miền bắc Argentina. Hơi nước của chúng tạo nên phần lớn trận mưa tại Brazil.

Các chuyên gia nông nghiệp tại Brazil đã thực hiện một dự án nghiên cứu sông bay trong nhiều năm. Mục đích của dự án - mang tên “Flying Rivers” - là xác định nguồn gốc, khối lượng và cách thức vận chuyển hơi nước trong những dòng sông bay. 

Những luồng khí ẩm khổng lồ mang hơi nước là nguồn cung cấp nước cho phần lớn trận mưa tại Brazil. Ảnh: riosvoadores.com.


Kỹ sư Gérard Moss, người sáng lập dự án “Flying Rivers”, cùng nhiều nhà khoa học đã bay trong những sông bay để thu thập mẫu hơi nước từ năm 2003. Sau đó họ phân tích những mẫu hơi nước tại Trung tâm nghiên cứu năng lượng hạt nhân trong nông nghiệp ở thành phố Sao Paulo, Brazil.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy những sông bay có thể giải phóng tới 200.000 m3 nước mỗi giây – chẳng kém gì những dòng sông lớn nhất hành tinh. Ngoài ra lượng nước mà chúng vận chuyển tương đương với sông Amazon. Họ cũng phát hiện ra rằng một cây lớn ở giữa rừng Amazon có thể giải phóng tới 300 lít nước mỗi ngày thông qua quá trình bốc hơi. (Cây cối hút nước bằng rễ. Sau đó một phần nước mà cây hút sẽ bốc hơi và trở lại bầu khí quyển). Hơn một nửa lượng nước mưa ở lưu vực Amazon tới từ cây. Phần còn lại do các sông, hồ, biển cung cấp.

Tuy nhiên, những dòng sông bay ở lưu vực Amazon sẽ phải đối mặt với nguy cơ biến mất do tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu.

Sự tăng lên của nhiệt độ trong lưu vực sông Amazon – chủ yếu do biến đổi khí hậu – đang tạo nên những xavan khô cằn. Chúng phá vỡ chu kỳ tuần hoàn của nước khiến lượng hơi nước cung cấp cho các sông bay giảm.

Nạn phá rừng cũng là một nguyên nhân. Phần lớn sông bay được tạo nên bởi hơi nước thoát ra từ cây. Nhưng do diện tích rừng nhiệt đới của Brazil thu hẹp do tình trạng chặt cây và hoạt động nông nghiệp, số lượng cây có khả năng giải phóng hơi nước cũng giảm theo. 

Tia nắng mặt trời xuyên qua một "dòng sông bay" phía trên rừng Amazon. Ảnh: National Geographic.


Giới khoa học khẳng định tình trạng thu hẹp của rừng nhiệt đới Amazon là một trong những nguyên nhân khiến khả năng hấp thụ khí carbon dioxide (CO2) của trái đất giảm. CO2 là thủ phạm chính gây nên tình trạng ấm lên toàn cầu.

“Phần lớn chúng ta coi Amazon là lá phổi của trái đất hoặc nơi nhốt khí CO2. Nhưng tôi muốn nhân loại nhận ra rằng lưu vực sông Amazon còn là chiếc máy bơm nước khổng lồ. Mưa là một trong những thứ đáng quý nhất của con người”, Moss phát biểu.

Lưu vực sông Amazon nhận 15.400 km khối nước ngọt mỗi năm từ các trận mưa. Đây là nơi nhận được lượng mưa lớn nhất thế giới (Nga đứng thứ hai với 7.800 km khối/năm).

Moss cho rằng nền kinh tế của Brazil có thể lao đao nếu những dòng sông bay biến mất. Chẳng hạn, nông dân ở bang Matto Grosso thuộc lưu vực sông Amazon cần nước mưa từ Amazon để trồng cây lương thực. Nền nông nghiệp trong bang này rất phát triển vì nông dân không phải đầu tư nhiều công sức và tiền bạc cho việc tưới tiêu.

“Ngoài ra, thủy điện đáp ứng tới 80% nhu cầu của người dân Brazil. Nếu lượng mưa giảm sút, Brazil sẽ đối mặt với nhiều vấn đề liên quan tới an ninh năng lượng”, Moss phát biểu.

Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video