Tửu lượng, khả năng chịu đau thể hiện qua màu mắt

Không chỉ là “cửa sổ tâm hồn”, đôi mắt và đặc biệt là màu mắt còn có thể tiết lộ tình trạng sức khỏe và một số khả năng của bạn.

Sự liên quan giữa màu mắt và sức khỏe đã cuốn hút các nhà khoa học suốt nhiều năm, dẫn đến hàng loạt nghiên cứu công phu, cho thấy, màu mắt ảnh hưởng tới việc chủ nhân cảm thấy cơn đau nhiều tới mức nào, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tốc độ xử lý trí não và cả tửu lượng của anh ta/cô ta.

Nghiên cứu mới nhất của các chuyên gia đến từ Đại học Pittsburgh (Mỹ) phát hiện, những phụ nữ vùng Caucasia sở hữu màu mắt sáng (xanh dương hoặc xanh lục) dường như chịu đau và sự kiệt sức tốt hơn các bạn đồng giới có màu mắt nâu hoặc nâu vàng.

Ngoài ra, những phụ nữ sở hữu mắt sáng màu hơn cũng ít lâm vào tình trạng lo âu sau sinh hơn, có tỉ lệ trầm cảm thấp hơn và cũng ít ý nghĩ tiêu cực hơn.

Mặc dù cần có thêm nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân chính xác cho khác biệt này, các chuyên gia nhận định, nhiều khả năng đó là do sự liên quan về gene.

Mãi tới gần đây, người ta vẫn cho rằng, chỉ có một dạng gene quy định mắt màu xanh dương và một gene khác cho màu mắt tối hơn. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Jari Louhelainen, giảng viên cấp cao chuyên ngành phân tử sinh học tại Đại học Liverpool John Moores (Anh), nhận định này hoàn toàn là sai lầm, vì giới nghiên cứu hiện đều biết, màu mắt dựa trên 12 – 13 biến thể riêng rẽ trong các gene của người.

Về lí do tại sao màu mắt có thể quyết định sức khỏe của chúng ta, tiến sĩ Louhelainen giải thích rằng, đó là vì các gene quy định màu mắt có thể đảm nhiệm nhiều vai trò cùng lúc. Chẳng hạn như, gene NCX-4, vốn có liên quan đến màu mắt sẫm hơn, kiểm soát nhiều protein dính líu đến cơn đau.

Các gene khác gắn với melanin, chất sắc tố khiến màu mắt sẫm hơn, cũng được phát hiện có liên quan đến cơn đau. Ví dụ như, hội chứng Dubin-Johnson, căn bệnh gan di truyền khiến các tế bào gan có màu nâu, gắn liền với sự tích tụ melanin. Các triệu chứng bệnh bao gồm cả tình trạng đau đớn và mệt mỏi.

Melanin cũng có thể khiến những người mắt nâu dễ bị tổn thương trước rượu cồn hơn và dễ bị say xỉn hơn. Trong khi đó, những người mắt sáng màu có tửu lượng tốt hơn và thường uống nhiều rượu cồn hơn.

Melanin không chỉ quyết định độ sẫm của màu mắt, mà còn là chất cách điện đối với những kết nối điện tử giữa các tế bào não. Càng sở hữu nhiều melamin, bộ não của chúng ta càng hoạt động nhanh, nhạy và hiệu quả hơn, theo báo cáo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Personality and Individual Differences. Lợi thế về tốc độ xử lý não này có thể giúp lí giải tại sao người mắt nâu thường có thời gian phản ứng nhanh hơn cũng như chơi tennis hay cầu lông giỏi hơn người mắt xanh.

Nghiên cứu năm 1991 của nhà tâm lý học, tiến sĩ Anthony Fallone thuộc Đại học Edinburgh (Anh) cũng cho thấy, các học sinh sở hữu mắt sẫm màu đạt kết quả tốt hơn đáng kể trong nhiều bài kiểm tra trí tuệ giới hạn thời gian, khi tốc độ suy nghĩ mang lại lợi thế chắc chắn.

Trong khi đó, phản ứng chậm hơn của người mắt xanh có thể ám chỉ, họ suy nghĩ có chiến lược và cân nhắc cẩn thận hơn. Theo các thử nghiệm tại Đại học Louisville (Mỹ), học sinh mắt xanh chứng minh thành công hơn trong các hoạt động đòi hỏi phải có sự lên kế hoạch, phân bổ thời gian, chẳng hạn như chơi golf, chạy marathon và học để thi cử.

Các nghiên cứu cũng thu được bằng chứng chỉ ra rằng, so với người có màu mắt sẫm hơn, những người sở hữu màu mắt xanh dễ bị bệnh tiểu đường tuýp 1 và gặp các vấn đề về thính giác hơn. Đặc biệt, về tính cách, người mắt xanh cũng e ngại, rụt rè và hay lo lắng hơn người mắt nâu.

Theo Vietnamnet, Daily Mail
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video