Ứng dụng thành công quy trình lên men tỏi thành thuốc quý

Trên thế giới từ những năm 2005 - 2006, người Nhật Bản đã phát minh ra công nghệ lên men tỏi tươi thành tỏi đen có tác dụng như vị thuốc đặc trị - chống oxy hóa, chống lão hóa, phòng chống bệnh ung thư, các bệnh nan y…

Đến năm 2008, sản phẩm tỏi đen này đã có mặt tại nhiều nhà hàng ở Nhật, dần dần tỏi đen của Nhật Bản được xuất khẩu đi nhiều nước và đa phần chỉ dành cho tầng lớp khá giả bởi giá thành khá cao, khoảng 1,2 - 1,5 triệu đồng/150gr.

Ở Việt Nam, các nhà khoa học thuộc Học viện Quân y đã ứng dụng thành công, quy trình lên men của tỏi tươi thành tỏi đen cũng như thành phần hóa học và tác dụng sinh học của tỏi đen.

Thành công này không những góp phần chăm sóc sức khỏe cộng đồng mà còn giúp tăng thu nhập cho người trồng tỏi ở Việt Nam, mở ra hướng phát triển thương mại mới cho cây tỏi trong tương lai gần.

Tiến sỹ Vũ Bình Dương, Học viện Quân y, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu quy trình lên men tỏi tươi thành tỏi đen cho biết: Ở Việt Nam, có nhiều loài tỏi đặc hữu quý như tỏi Lý Sơn, tỏi Phan Rang... Tỏi Lý Sơn có những giá trị đặc biệt so với các loại tỏi khác, về tác dụng cũng như giá trị kinh tế đã được đưa vào danh mục sản phẩm quốc gia. Tuy nhiên, cũng giống như các loại tỏi khác, tỏi Lý Sơn mới chỉ được sử dụng ở dạng tươi.


Tỏi Lý Sơn. (Ảnh: Thanh Long/TTXVN)

Từ thực tế đó, nhóm các nhà nghiên cứu của Học viện Quân y đã mạnh dạn chọn đề tài ''Nghiên cứu lên men tạo tỏi đen từ tỏi Lý Sơn và đánh giá tác dụng sinh học của sản phẩm tạo ra".

Theo các nhà khoa học, sau khi tỏi tươi được lên men trong quy trình từ 40 - 60 ngày, những tép tỏi tươi màu trắng sẽ chuyển thành màu đen, có vị ngọt, không còn mùi cay hăng của tỏi tươi.

Ngoài ra các nhóm hợp chất có trong tỏi tăng đáng kể sau khi lên men, trong đó hàm lượng đường tăng khoảng 13 lần, fructose tăng 52 lần, đặc biệt là SAC (sallyllcystein) - chất đã được chứng minh có tác dụng mạnh của tỏi đen - tăng 6 lần so với tỏi tươi.

Các nghiên cứu về tác dụng sinh học của tỏi đen cũng cho thấy, hợp chất sulfur hữu cơ, dẫn chất của tetrahydro-carboline được hình thành từ quá trình lên men có hoạt tính mạnh dạng gốc tự do và ức chế quá trình peroxy hóa lipid cao hơn tỏi thường.

Dịch chiết tỏi đen có hiệu lực mạnh kháng lại các tế bào khối u do vậy có tác dụng phòng và hỗ trợ điều trị ung thư. Nghiên cứu cũng chỉ ra, tỏi đen giàu SAC, làm giảm sự phát sinh của khối u ruột kết và các tụ điểm ẩn khác thường, những dấu hiệu lâm sàng sớm nhất của ung thư ruột kết. Ngoài ra, tỏi đen còn có tác dụng điều hòa đường huyết.

Nhóm nghiên cứu sẽ đề xuất hình thành dự án sản xuất thử nghiệm, bào chế và sản xuất các sản phẩm từ tỏi đen dưới dạng viên nang mềm, nước uống… để bán ra thị trường với giá thành từ 250-300 nghìn đồng/150gr, rẻ hơn rất nhiều so với giá nhập khẩu tỏi đen từ Nhật Bản.

Nếu hiệu ứng tốt, sẽ nâng quy mô sản xuất và chuyển giao công nghệ cho các cá nhân, tổ chức ngay tại vùng trồng tỏi Lý Sơn.

Hiện nay trên thế giới, tỏi đen đã được sử dụng khá phổ biến không chỉ làm thức ăn mà còn làm thuốc chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch, hỗ trợ điều trị ung thư.

Nước uống giải khát tỏi đen đóng chai và các dạng chế phẩm khác (cao tỏi đen, viên nang mềm tỏi đen…) đã và đang lưu hành rộng rãi tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore… được người dân ưa thích nhờ hương vị dễ chịu, đồng thời có thêm tác dụng bảo vệ sức khỏe, làm giảm mệt mỏi, tăng sức đề kháng, cải thiện xơ vữa động mạch, cao huyết áp, cải thiện chức năng hệ tiêu hóa và đường ruột, phòng chống bệnh ung thư, tim mạch, tiểu đường.

Theo Vietnam+
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video