Các chiến sỹ thuộc Ban chỉ huy Quân sự huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, đang thực hiện mô hình ươm bàng vuông, góp phần rất lớn vào việc bảo tồn, nhân rộng loại cây đặc trưng của huyện đảo, tạo môi trường xanh phục vụ du lịch.
Ý tưởng này xuất phát từ tấm lòng luôn hướng về biển, đảo quê hương của một vị Trung tá hơn nửa đời gắn bó với đảo tiền tiêu Lý Sơn.
Trung tá Nguyễn Văn Đào, Chủ nhiệm hậu cần kỹ thuật Ban chỉ huy quân sự huyện Lý Sơn, “cha đẻ” mô hình chia sẻ: "Cây bàng vuông là loài cây đã gắn liền với Lý Sơn từ bao đời nay. Cây tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của người dân, vượt qua phong ba bão táp để vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió".
Để có được vườn giống phong phú như ngày hôm nay, Trung tá Đào và các chiến sỹ đã ươm thử nghiệm rất nhiều lần. Cây bàng vuông là loại cây dễ sống, dễ trồng. Tuy nhiên, nếu không biết cách ươm thì tỷ lệ nảy mầm rất thấp.
Theo Trung tá Đào, mấy năm trước, người dân huyện đảo đã có ý thức nhân rộng giống cây này nhưng không thành công. Quả bàng vuông phải chờ gần 1 năm mới nhú lá mầm, vì vậy nhiều người tưởng ươm không được nên bỏ hết.
Cây bàng vuông không chỉ cho bóng mát mà còn ra hoa và quả rất đẹp. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)
Cơ duyên đến với Trung tá Nguyễn Văn Đào rất tình cờ. Từ một quả bàng vuông thả dưới gốc nhãn, sau một thời gian đã nảy mầm và phát triển thành cây tươi tốt, gieo hy vọng cho về sự thành công trong việc bảo tồn và nhân rộng giống bàng vuông bản địa.
Trung tá Hồ Ngọc Hiên, Phó Chỉ huy trưởng động viên, Ban chỉ huy quân sự huyện Lý Sơn, người trực tiếp tham gia ươm giống cho biết: "Quá trình ươm rất đơn giản, chỉ cần tưới nước đều đặn là được, không cần dùng tới phân bón. Người ươm phải biết cách chọn quả để ươm, nếu chọn đại trà thì coi như hỏng. Thường thì chúng tôi lấy quả ở xóm Viễn Đông, tại Dinh địa phương. Ưu điểm của bàng vuông là thích nghi tốt với mọi thời tiết. Cây trưởng thành có tán rộng, ít rụng lá lại cho hoa, quả rất đẹp".
Mô hình ươm giống bàng vuông được các chiến sỹ triển khai từ năm 2011, đến nay đã ươm được số lượng lớn lên tới hơn 15.000 cây.
Mục đích chính là phục vụ cho việc tạo cảnh quan xanh trên đất đảo, hướng tới phát triển du lịch thân thiện, bền vững.
Hiện tại, các trục đường giao thông chính của Lý Sơn chủ yếu trồng loại cây này, ước khoảng 2.500 cây.
Trung úy Nguyễn Đức Thuận, Trợ lý hậu cần, Ban chỉ huy quân sự huyện Lý Sơn khẳng định: "Trước mắt, chúng tôi trồng để tặng du khách chứ chưa nghĩ đến việc kinh doanh. Mỗi du khách sẽ được tặng 2-3 cây để mang về đất liền, coi đó là món quà ý nghĩa mà huyện đảo dành cho họ. Đây cũng là cách tạo cảm tình tốt trong lòng khách du lịch bốn phương".
Cây bàng vuông giống từ vườn ươm của các chiến sỹ đã len lỏi đi khắp nơi, ngày càng được biết đến nhiều hơn. Nó đã theo chân người lính hải quân ra Hoàng Sa, đâm chồi và trụ vững trên vùng đảo thiêng liêng của Tổ quốc; phát triển tốt tươi tại các nhà nghỉ, khách sạn trên đảo.
Anh Trần Minh Khánh, chủ nhà nghỉ Đại Dương cho biết: "Tôi cũng thử trồng nhiều lần nhưng đều thất bại. Thấy các anh trồng thành công, tôi đến xin vài cây về trồng lấy bóng mát cho quán càphê của gia đình, đến nay cũng được 4 năm rồi. Người trong đất liền ra đây, đều rất thích thú, ngắm mãi không thôi, nhất là khi cây đương độ ra hoa, kết quả. Cũng nhờ có những cây bàng vuông này mà quán tôi đông khách hơn, kinh doanh rất thuận lợi".
Chị Trịnh Thị Trang, quê Bình Thuận cho biết, đây là lần thứ ba chị đến với Lý Sơn. Huyện đảo có sức hút mãnh liệt, ngoài những điểm tham quan như đỉnh núi Thới Lới, các di tích lịch sử văn hóa, các cánh đồng tỏi…, thì chị Trang rất thích đến chùa Hang, ngồi dưới những tán bàng vuông mát rượi.
Gần đây, Ban chỉ huy quân sự huyện Lý Sơn đã cung ứng 1.000 cây bàng vuông giống tặng Thành phố Hồ Chí Minh.
Còn rất nhiều đơn đặt hàng từ Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố trong cả nước với số lượng lớn.
Trong tương lai, nếu mô hình ươm giống bàng vuông được triển khai nhân rộng thì không những ngành du lịch được hưởng lợi, mà ngay cả người dân trên đảo tiền tiêu sẽ có thêm nguồn thu nhập đáng kể từ cung ứng cây bàng vuông giống. Lợi ích kép từ mô hình là rất rõ.