Các nhà khoa học hôm 24/3 cho biết đã hoàn tất chế tạo và đưa vào hoạt động Kính viễn vọng mặt trời lớn Trung Quốc (CLST) ở Tứ Xuyên.
Kính viễn vọng mặt trời lớn nhất Trung Quốc đặt tại Thành Đô, Tứ Xuyên. (Ảnh: Xinhua).
CLST, được phát triển bởi Viện Quang học và Điện tử thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, có khẩu độ lên tới 1,8 m. Nó là kính thiên văn dùng để quan sát Mặt Trời lớn thứ hai trên thế giới, sau Kính viễn vọng Daniel K Inouye (DKIST) ở Hawaii, Mỹ.
Thiết bị sẽ được sử dụng để theo dõi hoạt động của Mặt Trời, cung cấp dữ liệu "chính xác hơn" để hỗ trợ nghiên cứu vật lý và dự báo thời tiết không gian, theo Rao Changhui, trưởng nhóm dự án. CLST có cấu trúc mở với mái vòm có thể thu vào và một bộ dẫn xuất cơ học lớn giúp nó luôn hướng về một điểm khi Trái đất quay.
DKIST - kính viễn vọng mặt trời lớn nhất thế giới đặt tại Hawaii. (Ảnh: SCMP).
Trước đây, kính viễn vọng mặt trời lớn nhất Trung Quốc thuộc về Kính thiên văn chân không khẩu độ 1 m ở tỉnh Vân Nam. Khẩu độ càng lớn, kính viễn vọng càng mạnh về khả năng thu tín hiệu quang học và điện từ, có nghĩa nó có thể thực hiện các quan sát chính xác hơn. Trong quá trình thử nghiệm, CLST đã chụp được những bức ảnh độ phân giải cao đầu tiên về bầu khí quyển Mặt Trời.
Trung Quốc đang xây dựng thêm một kính viễn vọng mặt trời vô tuyến ở huyện Đạo Thành, cũng ở tỉnh Tứ Xuyên. Nó sẽ có 401 ăng-ten nằm trong vòng tròn rộng 1 km, mỗi ăng-ten có đường kính 4,5 m. Thiết bị dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2021, được sử dụng để theo dõi sự phóng vật chất của vành nhật hoa hoặc gió mặt trời, giúp đưa ra cảnh báo sớm về bất kỳ tác động tiềm tàng nào đối với Trái đất.