Vào WTO, Việt Nam băn khoăn trước mã mở và đóng

Hội Tin học VN cho rằng nếu giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền bằng cách mua phần mềm hợp pháp sẽ tốn chi phí khổng lồ. Song, gợi ý về nguồn mở lại khiến nhiều doanh nghiệp ngần ngại vì những lý do khác. Lãnh đạo các Bộ khẳng định cần có sự tồn tại của cả hai giải pháp.

Mới đây, Hội Tin học Việt Nam (VAIP) gửi bản ý kiến tư vấn tới Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia về công nghệ thông tin (CNTT), đề nghị cân nhắc kỹ hơn khi đặt vấn đề sử dụng bản quyền phần mềm văn phòng đang thông dụng cho tất cả các cơ quan Chính phủ. VAIP cho rằng việc một số cơ quan quan trọng như Bộ Tài chính, Vietcombank, Tập đoàn FPT, BIDV... làm gương cho phản ứng dây chuyền mua bản quyền phần mềm văn phòng. Điều này có vẻ trái ngược với Quyết định 169 về việc mua sắm các sản phẩm công nghệ thông tin (CNTT) của cơ quan, tổ chức sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, trong đó quy định rằng cơ quan nhà nước phải ưu tiên sử dụng sản phẩm công nghệ thông tin được sản xuất trong nước và phần mềm nguồn mở.

"Đóng" hay "Mở" sẽ tiết kiệm hơn?

VAIP tính toán rằng năm 2005, thị trường trong nước tiêu thụ khoảng 1,2 triệu máy tính mới. Nếu tính thêm mức độ tăng trưởng 25% năm thì trong 5 năm tới đây (kể từ khi gia nhập WTO) sẽ có tới 6 triệu PC mới phải tôn trọng bản quyền phần mềm. "Nghĩa là, nếu dùng phần mềm thương mại cho văn phòng như Windows và Office của Microsoft thì VN sẽ phải trả tiền phần mềm cho 6 triệu PC x 500 USD = 3 tỷ USD. Mặt khác, trong các cơ quan nhà nước hiện có khoảng 2 triệu công, viên chức thì có thể tính ra con số 1 tỷ USD cho nhóm này", Tổng thư ký VAIP Nguyễn Long đặt vấn đề. "Nếu 5 năm tới, không có sản phẩm 'cạnh tranh' công bằng thì 500.000 doanh nghiệp và 22 triệu học sinh, sinh viên, giáo viên đang tiếp xúc chỉ với Windows sẽ dùng sản phẩm gì cho phổ cập và ứng dụng CNTT? Và sẽ phải chi bao nhiêu cho bản quyền phần mềm?".

Theo Hội Tin học VN, một trong những giải pháp tốt là việc thay thế các phần mềm mã đóng bằng Linux, Open Office hay các ứng dụng Web 2.0, bởi phần mềm nguồn mở là phương tiện dạy học, nghiên cứu chủ lực trong các trường đại học và viện nghiên cứu. Điều hấp dẫn là chi phí cho phần mềm nguồn mở rẻ hơn hẳn. Ông Long đưa ra một phép tính khác là mua dịch vụ làm nguồn mở cho một PC thì chỉ mất 15-20 USD, gồm cả chuyển đổi tài liệu và hướng dẫn cài đặt.

Tại Hội thảo về phần mềm nguồn mở vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) tổ chức tại Hà Nội, Ngân hàng Sacombank góp mặt như một điển hình trong việc triển khai thành công Open Office. Ông Tào Thành Danh, đại diện Sacombank, cho biết trong năm 2006, doanh nghiệp này đã tiết kiệm cho mỗi PC 389 USD tiền bản quyền Microsoft Office. Con số này nhân với 2.138 PC trong toàn đơn vị thì bằng 831.682 USD. Đó là chưa kể, tiền tiết kiệm được từ mỗi bộ ứng dụng Winzip là 50 USD và Vietkey là 100.000 đồng.

Tuy nhiên, nhiều cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức vẫn băn khoăn với việc giải quyết vấn đề bằng nguồn mở bởi hàng loạt khó khăn trong đào tạo, triển khai, sử dụng, dịch vụ hỗ trợ sau cài đặt... Ông Dương Ngọc Hải, Viện Khoa học công nghệ VN, bày tỏ: "Ở vị trí là người sử dụng, tôi thắc mắc là khi cài đặt phần mềm mã mở thì tính liên thông của các ứng dụng sẽ thế nào và với những sản phẩm này thì ai là người đảm bảo chất lượng cho nó?".

Phó chánh văn phòng CNTT, Bộ KHCN Nguyễn Trung Quỳnh cho biết cơ quan này đã phối hợp cùng Intel mở phòng thí nghiệm kiểm định và phát triển các giải pháp nguồn mở để đưa ra khuyến cáo cho các doanh nghiệp hay cơ quan tổ chức nhà nước dùng nguồn mở một cách hiệu quả, an toàn. "Khi đã có khả năng tự triển khai phần mềm nguồn mở thì hoàn toàn có thể giải quyết các vấn đề. Nếu lựa chọn giải pháp từ một nhà cung cấp dịch vụ thì chính họ sẽ phải có trách nhiệm hỗ trợ khách hàng", ông Quỳnh nói.

Còn người đại diện của VAIP bày tỏ: "Những doanh nghiệp làm phần mềm mã đóng như Microsoft đã marketing quá tốt trong khi các công ty công nghệ ở VN, đặc biệt là người làm nguồn mở vẫn nặng về bán hàng mà bỏ quên dịch vụ hỗ trợ".

Chủ trương chưa thống nhất. Hai giải pháp "chạy lồng ghép"

Ngày 2/3/2004, Thủ tướng đã ký Quyết định số 235 phê duyệt dự án tổng thể ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở ở VN. Sau hai năm thực hiện, khảo sát của Bộ KHCN - đơn vị chủ trì dự án - cho thấy tỷ lệ tham gia của các doanh nghiệp phát triển cũng như của bộ, ngành địa phương là khá cao, dù khối doanh nghiệp ứng dụng có tỷ lệ khiêm tốn. Tuy nhiên, về định hướng lối đi nhằm tạo nên cú hích cho lĩnh vực này phát triển thì chưa hề có.

"Chúng tôi lúng túng chưa biết bắt đầu từ đâu. Doanh nghiệp đang chờ nhưng cũng chưa thấy có chỉ đạo của nhà nước thế nào về vấn đề này. Quyết định 235 thì chưa đến tận người dùng cuối", ông Hoàng Lê Minh, Phó giám đốc Sở Bưu chính Viễn thông (BCVT) TP HCM, nói. "Cấp trên nên có chỉ đạo và giải pháp cụ thể sẽ tốt hơn. Và nguồn mở phải được xã hội hóa thì mới triển khai được".

Ông Nguyễn Chí Công, Tổ chuyên môn Ban Đề án 112, cho rằng trong kế hoạch phát triển phần mềm nguồn mở thiếu sự hợp tác chặt chẽ giữa các Bộ KHCN và GD&ĐT. Trong khi đó, hầu hết trường học, từ phổ thông đến sau đại học, đều dùng sản phẩm của Microsoft, mà chủ yếu là vi phạm bản quyền. "Nếu không có chủ trương thống nhất xuyên suốt các Bộ KHCN, GDĐT, BCVT thì những hệ thống dù là nguồn mở hay đóng sẽ không có khả năng trao đổi dữ liệu", ông Công phân tích. "Tôi hy vọng Bộ BCVT sẽ là cầu nối để các bộ khác phối hợp cùng hành động. Phải có cơ sở pháp lý để đẩy mạnh hành động. Quyết sách và chiến lược phải đi trước".

Ông Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ BCVT, khẳng định việc nhất thiết không thể "đẩy" mã nguồn mở đến chỗ đối lập với phần mềm thương mại mà phải làm sao tăng cường tiềm lực sáng tạo trong lĩnh vực này. "Chúng ta không thể tạo ấn tượng là dùng nguồn mở để chống đối và thay thế tất cả các phần mềm thương mại. Cần hợp tác trong cạnh tranh, chống độc quyền để tạo ra được cơ chế buộc người sử dụng có chọn lựa công bằng giữa các loại sản phẩm, dù đó là đóng hay mở, bán hay cho không, tạm thời hay lâu dài", ông Đam nói.

Phó chánh văn phòng CNTT Bộ KHCN thừa nhận việc thực thi chiến lược phát triển phần mềm nguồn mở rất khó khăn. Song quan điểm của Bộ này là cần phải thực thi lồng ghép giữa mã mở và phần mềm thương mại. "Tôi hy vọng người VN cố gắng sử dụng những sản phẩm và giải pháp có lợi và phù hợp với khả năng kinh tế và điều kiện của mình", ông Nguyễn Trung Quỳnh bày tỏ. "Nếu mua bản quyền thì tiền đó chảy ra nước ngoài, thuế thu được không nhiều, còn dùng sản phẩm trong nước thì tiền đó đọng lại ở VN, được tái đầu tư, tạo công ăn việc làm để thúc đẩy phát triển".

Nguyễn Hằng

Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video