Một nghiên cứu mới về những hình ảnh từ vệ tinh tình báo thời chiến tranh lạnh giúp tăng gấp ba số lượng các địa điểm cổ xưa mà các nhà khảo cổ học được biết cho đến thời điểm hiện nay, theo National Geographic ngày 25/4.
Ảnh vệ tinh chụp năm 1961 cho thấy Tell Rifaat ở tây bắc Syria mà ngày nay bị che lấp hoàn toàn bởi một thị trấn hiện đại - (Ảnh: Internet Archaeology)
Theo đó, những bức ảnh vệ tinh này hé lộ hàng ngàn thành phố cổ cùng các tuyến đường giao thông, kênh mương và các tàn tích khác tại khu vực Trung Đông trải dài từ Ai Cập đến Iran, bao gồm cái nôi nổi tiếng của nền văn minh cũng như nơi xuất hiện con người sớm nhất là Fertile Crescent.
Theo Ancient Origins, các nhà khảo cổ đã phát hiện khoảng 10.000 địa điểm mới nhờ làm việc trên bản đồ Corona của vùng Trung Đông. Trước đây giới khảo cổ chỉ biết khoảng 4.500 địa điểm khảo cổ nổi tiếng tại khu vực này.
Theo các chuyên gia, những địa điểm mới phát hiện lớn nhất có diện tích gần 50ha, là những thành phố thời đồ đồng với các bức tường và thành lũy cổ. “Một số địa điểm này rất rộng lớn và hoàn toàn không được biết đến” - nhà khảo cổ học thuộc đội bản đồ ĐH Arkansas, ông Jesse Casana chia sẻ.
Theo ông Casana, những bức ảnh vệ tinh không những hé lộ những tàn tích cổ mà còn cung cấp một cái nhìn toàn diện toàn bộ khu vực Trung Đông và cách thức mà các thành phố kết nối với nhau trong quá khứ.