Những bằng chứng về nước trên Europa hóa ra đã xuất hiện từ hàng chục năm trước.
Như đã đưa tin thì mới đây, NASA đã tổ chức một cuộc họp báo nhằm công bố phát hiện rất quan trọng liên quan đến mặt trăng Europa của sao Mộc.
Chính xác hơn, đó là những phân tích mới nhất. Và theo như thông tin mới được tiết lộ, thì chúng là các dữ liệu đến từ một con tàu thăm dò đã "chết" từ hàng thập kỷ trước - tàu Galileo.
Mặt trăng Europa.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu do phó giáo sư Xianzhe Jia từ ĐH Michigan đứng đầu đã tiến hành phân tích khối dữ liệu trong nhiệm vụ của Galileo - vốn bay quanh sao Mộc trong giai đoạn 1995 đến 2003.
Kết quả cho thấy vào ngày 16/12/1997, Galileo đã bay qua một cột nước khổng lồ phát ra từ Europa - nhiều khả năng là do một đại dương khổng lồ bên dưới bề mặt băng giá của vệ tinh này. Khối dữ liệu trùng khớp với những gì kính thiên văn vũ trụ Hubble tìm ra sau này, rằng Europa đang phun lên những cột nước khổng lồ.
"Đây là những bằng chứng rất rõ ràng về việc Europa có phát ra những cột nước" - Jia cho biết. "Chúng tôi tin rằng con tàu đã bay qua một trong số đó".
Tàu Galileo đã bay qua một cột nước khổng lồ phát ra từ Europa.
Cụ thể, trong chuyến tiếp cận mang mã số E12, Galileo đã bay ngang qua Europa ở độ cao khoảng 200km. Thế nhưng lúc này, các công cụ bỗng ghi nhận mức từ trường và mật độ plasma tăng đột biến trong vòng 3 phút.
Hiện tượng kỳ lạ này ngay lập tức được liên hệ với giả thuyết về những cột nước trên Europa. Nước phun qua những kẽ hở trên bề mặt, tạo thành những hạt bụi nước. Chúng bị ion hóa khi lọt ra ngoài vũ trụ, trở thành các phân tử mang điện tích - hay chính là plasma.
Plasma có thể gây ảnh hưởng đến từ trường. Tuy nhiên, giả lập từ máy tính cho thấy mức tăng đột biến này chỉ đến từ một cột nước mà thôi. Thậm chí, họ còn tính toán được hố nước ấy lớn đến mức nào.
"Kích cỡ có thể được dự đoán nhờ vào thời gian phát tín hiệu, cũng như tốc độ bay của con tàu" - Jia chia sẻ.
"Rãnh nứt ấy có thể rộng tới 1.000km"
Trong tất cả các chuyến tiếp cận của Galileo, chỉ có 1 lần nó bay qua một cột nước.
Khi khối dữ liệu này lần đầu tiên xuất hiện, các nhà khoa học cũng không thực sự hiểu họ đang gặp phải điều gì. Tuy nhiên sau nhiều năm, chúng ta quan sát được các cột nước trên Enceladus (Mặt trăng của sao Thổ), và rồi Hubble phát hiện ra cột nước của Europa từ năm 2010.
"Có thể nói lúc ấy chúng tôi "nghĩ hơi ngắn" một chút" - William Kurth, chuyên gia từ ĐH Iowa thuộc dự án Galileo cho biết.
Trong tất cả các chuyến tiếp cận của Galileo, chỉ có 1 lần nó bay qua một cột nước. Lần tiếp cận E26 vào tháng 1/2000 cũng ghi nhận mức tăng đột biến, nhưng sau được xác định không phải vì cột nước phun lên.
Phát hiện lần này có ý nghĩa gì?
Từ dữ liệu của E12, chúng ta xác định được địa điểm xuất hiện cột nước. Theo các chuyên gia, có vẻ như nó nằm ở miệng núi lửa khổng lồ mang tên Pwyll Crater, thuộc phía Nam của Europa. Dữ liệu này trùng với nơi Hubble từng quan sát thấy cột nước vào năm 2010.
Có thể đang có các hoạt động địa chất bất thường tại khu vực này.
Điều này cho thấy, có thể đang có các hoạt động địa chất bất thường tại khu vực này. Không rõ cột nước sẽ tồn tại trong bao lâu, nhưng nó đang đòi hỏi khoa học phải thực hiện một nhiệm vụ điều tra càng sớm càng tốt.
Ở thời điểm hiện tại, nhiều người vẫn chỉ coi Enceladus của sao Thổ là nơi phù hợp nhất để tìm kiếm sự sống trong hệ Mặt trời. Nhưng thực tế cho thấy, chỉ Europa mới đang là mục tiêu của ít nhất 2 nhiệm vụ nữa, trong khi Enceladus thì không.
Theo dự tính vào đầu những năm 2020, NASA sẽ gửi con tàu Europa Clipper lên Mặt trăng của sao Mộc. Nó sẽ thực hiện 45 chuyến bay tiếp cận nơi này, trong đó phần lớn xung quanh khu vực Galileo đã tiếp cận ở chuyến E12.
Nếu thực sự có cột nước phóng lên tại đó, Clipper sẽ thu lấy một ít mẫu và bắt đầu thực hiện xét nghiệm. Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) cũng không thể nhắm mắt làm ngơ. Năm 2022, ESA dự tính sẽ gửi JUICE (Jupiter Icy Moons Explorer) lên Europa, cũng cùng mục đích như Clipper.
Europa có thể mang những thành phần cần thiết để duy trì sự sống.
Trước đó, người ta đã xác định rằng dưới Europa có cả một đại dương rộng lớn, thậm chí còn nhiều nước hơn cả Trái đất. Nhưng việc tiếp cận nó thì cực khó, vì đại dương ấy ẩn dưới một lớp băng dày hàng chục km.
Vậy nên với những cột nước phun lên bề mặt, chúng ta có cơ hội tiếp cận được lớp nước bí ẩn ấy.
Và quan trọng hơn cả, khi tồn tại nước trên bề mặt, cũng có nghĩa Europa có thể mang những thành phần cần thiết để duy trì sự sống. Nếu như bên dưới đại dương có các hoạt động thủy nhiệt, sự sống nhiều khả năng sẽ xuất hiện tại đây.
Galileo là tàu vũ trụ tự động của NASA gửi đến thăm dò và nghiên cứu hành tinh khổng lồ sao Mộc và các vệ tinh của nó. Con tàu được đặt theo tên của nhà bác học, thiên văn học và cha đẻ của khoa học Galileo Galilei. Con tàu được phóng lên vào ngày 18 tháng 10 năm 1989 bằng tàu con thoi Atlantis trong phi vụ STS-34. Galileo đến sao Mộc vào ngày 7 tháng 12 năm 1995, sau 6 năm hành trình với các lần đi qua sao Kim và Trái đất để được hỗ trợ trọng lực. Galileo đã trở thành vệ tinh nhân tạo đầu tiên của sao Mộc. Khi đến sao Mộc, tàu này đã thả ra tàu thăm dò Galileo, tàu thăm dò đầu tiên đi vào sao Mộc, đo lường tại chỗ các thông tin về khí quyển sao Mộc. Mặc dù gặp vấn đề với ăng ten, Galileo đã là tàu đầu tiên thành công trong việc bay qua tiểu hành tinh, cụ thể là 951 Gaspra, và khám phá ra vệ tinh tự nhiên của tiểu hành tinh đầu tiên, Dactyl, bay quanh 243 Ida. Năm 1994, Galileo đã quan sát sao chổi Shoemaker–Levy 9 va chạm với sao Mộc. |