Vệ tinh trinh sát Kosmos-2551 bốc cháy trong lúc rơi qua khí quyển hôm 20/10, tạo ra cầu lửa lớn có thể quan sát ở nhiều nơi tại vùng trung tây nước Mỹ.
Vệ tinh Nga rơi qua bầu trời Mỹ. (Video: AMS)
Hiệp hội thiên thạch Mỹ (AMS) gần đây tiếp nhận hơn 80 báo cáo về vật thể từ người dân ở khu vực từ Tennessee tới Michigan. AMS chia sẻ ảnh chụp cầu lửa do một số người dân chia sẻ, bao gồm video 27 giây từ Chris Johnson ghi lại khoảnh khắc cầu lửa tạo ra vệt đuôi dài trên bầu trời ở thành phố Fort Gratiot, Michigan. Cầu lửa thắp sáng bầu trời vào khoảng 12h43 ngày 20/10 theo giờ địa phương (23h43 ngày 20/10 giờ Hà Nội).
"12h43 là thời gian dự đoán chính xác khi vệ tinh Kosmos-2551 bay qua khu vực. Vì vậy, tôi kết luận chắc chắn cầu lửa là vệ tinh Kosmos-2551", nhà thiên văn học kiêm chuyên gia theo dõi vệ tinh Jonathan McDowell ở Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian, cho biết.
Quá trình bốc cháy của Kosmos-2551 không đe dọa người dân trên mặt đất.
Kosmos-2551 là vệ tinh trinh sát của Nga phóng hôm 9/9 nhưng rơi không lâu sau đó. Con tàu này chưa điều chỉnh quỹ đạo lần nào sau khi cất cánh. Các chuyên gia dự đoán Kosmos-2551 sẽ hồi quyển vào ngày 19/10. Quá trình bốc cháy của Kosmos-2551 không đe dọa người dân trên mặt đất. Vệ tinh chỉ nặng khoảng 500 kg và không có mảnh vỡ nào rơi xuống đất, theo McDowell.
Những cầu lửa tạo bởi rác vũ trụ không hiếm gặp. Ví dụ, năm ngoái, tầng thứ 3 của tên lửa Soyuz rơi ngược trở lại khí quyển, thắp sáng bầu trời Australia. Các sự kiện như vậy đang trở nên ngày càng phổ biến do con người phóng ngày càng nhiều vệ tinh lên quỹ đạo. Sự bùng nổ của vệ tinh đang gây lo ngại cho giới chuyên gia. Theo họ, các chính phủ cần hành động để đảm bảo vấn đề rác vũ trụ không vượt ngoài tầm kiểm soát.