Các mảnh vỡ của vệ tinh Đức có thể đã rơi xuống Ấn Độ Dương sau khi nó lao vào bầu khí quyển hôm qua.
>>> Vệ tinh ROSAT lao vào khí quyển trái đất
Vệ tinh ROSAT rơi xuống bầu khí quyển trái đất trong khoảng thời gian từ 1h45 và 2h15 ngày 23/10 theo giờ GMT (8h45 và 9h15 cùng ngày theo giờ Việt Nam). Giống như vụ rơi của vệ tinh UARS hồi tháng 9, giới khoa học không thể đoán chính xác địa điểm mà ROSAT lao xuống. Song nếu thời gian rơi là chính xác, có lẽ các mảnh vỡ của ROSAT đã lao xuống Ấn Độ Dương. Nếu lao về phía đất liền, chúng có thể rơi xuống Myanmar và Trung Quốc, BBC cho biết.
Điều khiến dư luận chú ý tới vụ rơi của ROSAT là tổng khối lượng các mảnh vỡ không cháy hết của nó có thể lên tới hơn 1,6 tấn – lớn hơn nhiều so với con số nửa tấn của UARS.
ROSAT là một kính thiên văn không gian có khả năng phát hiện tia X của Đức. Nó có một gương lớn được làm bằng carbon tổng hợp. Kính được phóng lên vũ trụ để tìm kiếm các tia X trong không gian vào năm 1990. Nó ngừng hoạt động vào năm 1999 sau khi phát hiện khoảng 100.000 nguồn phát tia X trong vũ trụ. Chiếc gương cùng cấu trúc hỗ trợ nó là mảnh vỡ lớn nhất trong số 30 mảnh vỡ từ ROSAT.
“Từ trước tới nay chúng ta chỉ thiết kế các vệ tinh nhân tạo để chúng có thể tồn tại trong môi trường vũ trụ khắc nghiệt. Chúng ta chưa nghĩ nhiều đến việc chúng sẽ rơi xuống địa cầu. Nhưng trong tương lai chúng ta sẽ phải quan tâm tới điều đó và có lẽ các vệ tinh nhân tạo nên được thiết kế sao cho phần lớn chúng bốc cháy trong không khí”, ông nói.