Vệ tinh Trung Quốc quá sáng, có thể "phá hoại" hoạt động thiên văn

Các chuyên gia cảnh báo vệ tinh Trung Quốc Qianfan sáng quá mức có thể tác động tiêu cực đến các hoạt động thiên văn cùng nhiều vấn đề khác.

Theo trang LiveScience ngày 15-10, các nhà thiên văn học đã phân tích những quan sát từ mặt đất đối với các vệ tinh Trung Quốc và nhận thấy chúng sáng hơn nhiều so với dự kiến.

Chẳng hạn các vệ tinh Qianfan (có nghĩa là ngàn cánh buồm), được phóng vào tháng 8, quan sát cho thấy chúng sáng đến mức có thể nhìn rõ bằng mắt thường trong đêm.


Trung Quốc phóng vệ tinh Qianfan từ Trung tâm phóng vệ tinh Taiyuan ngày 6-8 - (Ảnh: CNSA).

Qianfan là một "siêu chòm sao" vệ tinh liên lạc do công ty thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc Shanghai Spacecom Satellites Technology sản xuất. Mạng lưới vệ tinh này là lời đáp trả của Bắc Kinh đối với dự án vệ tinh Starlink của Công ty SpaceX, được thiết kế để cung cấp Internet tốc độ cao toàn cầu.

Không có nhiều thông tin về dự án hay thiết kế của các vệ tinh Qianfan, song truyền thông nhà nước Trung Quốc từng tiết lộ Bắc Kinh dự định phóng tới 15.000 vệ tinh Qianfan vào vũ trụ vào năm 2030, theo Reuters.

Lô vệ tinh Qianfan đầu tiên được phóng vào ngày 6-8 trên một tên lửa Trường Chinh 6A. Sứ mệnh này đã thành công trong việc triển khai 18 vệ tinh ở quỹ đạo thấp của Trái đất (LEO) nhưng tầng thứ hai của tên lửa đã vỡ thành hơn 300 mảnh gây nguy hiểm trong LEO.

Các nhà khoa học cũng cảnh báo một số vệ tinh Qianfan được lên lịch triển khai ở độ cao thấp hơn LEO, nghĩa là chúng có thể sáng hơn từ 1 - 2 độ so với những vệ tinh Qianfan được quan sát gần đây.

Một khi chòm sao vệ tinh khổng lồ này hình thành, nó "sẽ tác động tiêu cực đến các hoạt động thiên văn chuyên nghiệp và nghiệp dư, trừ khi các nhà điều hành giảm độ sáng của chúng", nhóm phân tích cho biết.

Nhóm lưu ý rằng có thể giảm lượng ánh sáng phản chiếu từ vệ tinh liên lạc bằng cách sử dụng gương tích hợp, tương tự như SpaceX đã làm với thế hệ vệ tinh Starlink thứ hai được phóng từ năm ngoái. Nhóm cũng thúc giục Trung Quốc làm như vậy.

Ngoài việc gây ô nhiễm ánh sáng cho bầu trời đêm, các vệ tinh liên lạc cũng có thể làm gián đoạn thiên văn vô tuyến bằng cách rò rỉ bức xạ vào không gian. Đây đang là vấn đề của thế hệ vệ tinh Starlink mới nhất. Tuy nhiên, cần thêm quan sát để xác định liệu vệ tinh Qianfan có giống như vậy không.

Ngoài ra, các chòm sao vệ tinh cũng bị chỉ trích vì làm tăng rủi ro va chạm giữa các tàu vũ trụ ở LEO, tạo ra rác vũ trụ và làm ô nhiễm không khí khi chúng cháy trong quá trình rơi trở lại Trái đất.

Cập nhật: 22/10/2024 Tuổi Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video