Vì sao cần thả ngay khi bắt được tôm hùm có vết khía chữ V?

Trong nhiều năm, ông Ned Bailey đã đánh bắt và thả những con tôm hùm "có vết khía chữ V" trở về biển để hỗ trợ đánh bắt bền vững và bảo tồn nguồn lợi.

Trong bộ đồ không thấm nước màu vàng, Ned Bailey đi một vòng ở cửa sông Falmouth cùng chú chó collie lông xù, kéo lên hàng loạt lồng tôm hùm sẫm màu.

Người đàn ông 58 tuổi này đánh bắt ngoài khơi bờ biển phía nam Cornwall (Anh) gần 4 thập kỷ qua.

Ông ném ra những con cua đi lạc, vài con sao biển và một con lươn biển đang giãy. Đôi khi, Bailey lôi ra một con tôm hùm: Nếu mai dài hơn 90 mm, ông sẽ giữ nó lại. Nếu không, nó sẽ bị ném trở lại biển theo quy định.

Nhưng hôm nay, một con tôm hùm, mặt dưới đuôi đầy những chùm trứng đen như mực, bị vứt sang một bên. Đây là con tôm hùm cái đang có mang với khoảng 20.000 quả trứng.

Bailey cắt một chữ “V” nhỏ trên chiếc đuôi lốm đốm màu xanh và màu vàng của nó, trước khi nhẹ nhàng đặt con tôm hùm trở lại mặt nước.

Giờ đây, con tôm hùm đã bị đánh dấu là bất hợp pháp nếu người khác cố tình đánh bắt nó. Và nếu may mắn thì khả năng sinh sản của nó sẽ được đảm bảo trong vài năm nữa.

Cắt hình chữ V là phương pháp bảo tồn được sử dụng nhằm giúp bổ sung trữ lượng tôm hùm. Tùy thuộc vào từng người, đó là cách hữu ích để bảo vệ tương lai của tôm hùm hoặc là "cơn ác mộng", theo Guardian.


Ông Ned Bailey với một con tôm hùm cái mang tới 20.000 quả trứng. (Ảnh: Lewis Michael Jefferies).

Biện pháp "bù đắp"

Kể từ năm 2000, luật cấm đánh bắt tôm hùm và tôm càng có khía chữ V xuất hiện ở Anh.

Đối với Bailey, biện pháp này là cách để tự kiểm soát, hay còn gọi là “bù đắp, với sản lượng mà ông đánh bắt được từ biển.

“Tôi muốn nghề khai thác tôm hùm có thể tồn tại ngay cả khi tôi không đánh bắt (nữa)”, ông nói.

Khoảng một nửa số người từ các thuyền đánh bắt tôm hùm thương mại ở cửa sông Falmouth đã chọn cắt hình chữ V lên những con tôm hùm thuộc diện dễ bị tổn thương, điển hình là con cái có trứng.


Ông Ned Bailey kiểm tra các lồng tôm hùm. (Ảnh: Lewis Michael Jefferies).

Việc cắt một phần quạt đuôi được cho là không gây đau đớn với loài giáp xác. Nó là dấu hiệu cho những người đánh bắt khác biết rằng họ nên để chúng ở lại trong các kẽ đá, rạn san hô để phát triển.

Mặc dù cắt rãnh chữ V đồng nghĩa một phần nhỏ tôm hùm bị loại ra trong sản lượng đánh bắt, nó có giá trị cao hơn giúp duy trì nguồn dự trữ, thay vì bán ở chợ.

Nếu có bất cứ điều gì xảy ra với quần thể tôm hùm khi mức độ giảm xuống quá thấp, sẽ mất nhiều thời gian để phục hồi”, Chris Weston, kỹ thuật viên tại tổ chức National Lobster Hatchery ở Padstow, cho biết.

Tôm hùm phát triển tương đối chậm, phải mất tới 7 năm để trưởng thành, ông giải thích.

Mặc dù những con tôm hùm cái dường như chứa đầy trứng, khả năng ấu trùng của chúng trưởng thành rất mong manh. Trong 4 tuần đầu tiên, một con tôm hùm mới sinh có kích thước chưa đến 1 cm được xếp vào nhóm sinh vật phù du - món ăn đơn giản cho những kẻ săn mồi dưới đại dương.

“Trong tự nhiên, tỷ lệ sống sót là 0,005%”, Weston nói. “Điều đó đồng nghĩa chỉ một hoặc hai trong số 20.000 quả trứng có thể trưởng thành”.

Trại giống Padstow được thành lập vào năm 2000 sau khi quần thể tôm hùm ở Na Uy suy giảm đến mức tôm hùm châu Âu được xếp vào loại “gần bị đe dọa”.

“Việc đánh bắt quá mức đã dẫn đến sự sụt giảm quần thể mà đến giờ vẫn chưa hồi phục trở lại như những con số trước đây”, Weston nói.

Tranh cãi

Không giống các loại cá vược hay cá tuyết, không có hạn ngạch nào của EU giới hạn số lượng tôm hùm có thể được đánh bắt.

“Về mặt lý thuyết, miễn là bạn tuân thủ tất cả quy tắc, bạn có thể đánh bắt bao nhiêu tùy thích trong suốt cả năm”, Weston cho hay.

Tôm hùm cũng là mặt hàng đánh bắt được thèm muốn, là một phần không thể thiếu trong bản sắc văn hóa và sinh kế của nhiều cộng đồng đánh cá ở Cornish.

Vào năm 2019, 278 tấn tôm hùm đã cập cảng Cornish, với giá trị lên tới hơn 4,84 triệu USD. Thương mại sinh lợi đồng nghĩa việc cắt hình chữ V thu hút nhiều phản ứng trái chiều.

“Một số ngư dân coi đó là cơn ác mộng vì nó lấy đi một phần sản lượng đánh bắt của họ”, Weston nói. “Chúng tôi cần chiến dịch thông tin để khuyến khích các biện pháp như cắt hình chữ V”.


Cắt khía ở đuôi tôm hùm. (Ảnh: Lewis Michael Jefferies).

Hoạt động cũng có thể được xem như lớp bảo vệ bổ sung ngoài luật pháp.

Đầu năm 2023, hai công ty đánh bắt cá ở Cornwall đã bị truy tố vì đánh bắt tôm hùm có trứng và cùng bị phạt hơn 62.000 USD. Trong một trường hợp, đuôi tôm hùm đã được chà sạch để loại bỏ bằng chứng về trứng.

“Có thể có một số ngư dân vô lương tâm cố gắng loại bỏ trứng, nhưng các quy định về kích thước tối thiểu cùng cắt hình chữ V là biện pháp hữu hình mà bạn không thể loại bỏ”, Simon Cadman, viên chức thực thi chính của Cơ quan Bảo tồn và Nghề cá Bờ biển Cornwall, cho biết.

Mặc dù rất khó để đo lường tác động của hoạt động này, Cơ quan Phát triển Thủy sản Ireland (BIM) đã thử nghiệm: Họ sẽ trả 70% giá trị của một con tôm hùm nếu chúng được đưa đến cho quan chức thủy sản để cắt đánh dấu.

Khoảng 40.000 con tôm hùm đã được đánh dấu vào năm ngoái và cơ quan này phát hiện ra rằng cùng với những hạn chế về kích thước tối thiểu và tối đa, cắt hình chữ V giúp bảo tồn 25-39% khả năng sinh sản trong quần thể tôm hùm của Ireland.

Một nghiên cứu về nghề cá của Quần đảo Orkney, trong đó phân tích tác động đánh dấu 3.000 con tôm hùm, chủ yếu là con cái có trứng, phát hiện ra cắt hình chữ V về lâu dài sẽ “tự ra vốn", giúp tăng sản lượng trứng lên 25%.

Ở Maine, một báo cáo cho thấy 87,5% ngư dân được phỏng vấn đã chấp thuận luật cắt hình chữ V.

Tại Cornwall, mọi thứ vẫn mang tính đặc thù hơn và được giao cho những ngư dân đã trở thành nhà khoa học chưa qua đào tạo như Bailey. Ông thường xuyên kéo những chiếc lồng giống nhau trên dải biển dài 18 km và bày tỏ sự “thích thú” khi bắt lại được con tôm hùm ông từng khắc dấu hiệu - một góc 90 độ chính xác.

“Tôi tin rằng công việc chúng tôi đang làm đang tạo ra sự khác biệt”, ông nói.

Cập nhật: 24/09/2024 Zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video