Vì sao hàng trăm con chim cánh cụt Nam Cực biến thành xác ướp?

Hàng trăm con chim cánh cụt được tìm thấy còn nguyên xác ở Nam Cực. Nguyên nhân không phải do một bệnh dịch cách đây cả nghìn năm đã càn quét qua lục địa băng giá này, cũng không phải do bị một loài thú ăn thịt nào tàn sát.

Sự thật là chúng đã bị tiêu diệt bởi môi trường lạnh, khô của Nam Cực trong thời kì xảy ra hai hình thái khí hậu cực đoan cách đây 1.000 năm, đó là mưa cực lớn và băng tuyết cực nhiều.

Theo giáo sư Liguang Sun, chuyên gia về khoa học trái đất ở viện Môi trường vùng Cực, thuộc Trường đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, người đứng đầu nhóm nghiên cứu sự kiện này: “rất có thể sự ấm lên toàn cầu đã gây ra mưa cực lớn và trở thành nguyên nhân của thảm kịch đó”.

Nhóm nghiên cứu đã tình cờ tìm thấy những xác chim cánh cụt khô lạnh và được băng tuyết bảo quản ở Bán đảo Dài của miền Đông Nam Cực hồi năm 2016. Giáo sư Sun cho biết, xác chim cánh cụt còn nguyên cả xương và lông ở vùng Cực thì rất nhiều, nhưng với số lượng một nhóm đông đến vậy và gồm rất nhiều chim non như hiện tượng này thì vô cùng hiếm.


Xác chim cánh cụt còn nguyên cả xương và lông ở vùng Cực thì rất nhiều.

Xác định niên đại bằng carbon phóng xạ cho thấy những con chim cánh cụt này ngày càng chết nhiều hơn qua hàng thập kỉ, và hiện tượng này xảy ra vào hai thời kì khác nhau, vào khoảng 750 đến 200 năm trước đây. Sau khi nghiên cứu các mẫu vật bám quanh các xác ướp, trong đó có cả phân và vật liệu làm tổ của chim, các nhà nghiên cứu kết luận rằng: “những hiện tượng khí hậu cực đoan kéo dài qua nhiều thập kỉ chính là nguyên nhân khiến những con chim này bị chết".

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy bằng chứng của những trận lụt do mưa cực lớn đã cuốn trôi các xác chim cùng các cặn lắng khác xuống chân núi. Cặn lắng còn lại rất ít chứng tỏ những con chim sống sót sau đó đã rời bỏ nơi làm tổ cũ.

Việc tìm hiểu về chuyến gặp nạn của chim cánh cụt trong các sự kiện khí hậu cực đoan giúp cho các nhà nghiên cứu dự đoán điều gì sẽ xảy ra với loài chim này trong tương lai. Nhìn chung, xu hướng ấm lên toàn cầu sẽ còn tiếp tục và thậm chí ngày càng tồi tệ, mà phần lớn là do các hoạt động của con người gây ra. Hậu quả là Nam Cực sẽ hứng chịu nhiều mưa và tuyết hơn, điều đó sẽ tăng nguy cơ chim cánh cụt sẽ bị chết hàng loạt tương tự như vậy.

Chim cánh cụt Adelie là loài bản địa ở Nam Cực, hiện tại chúng có khoảng 250 tổ sinh đẻ. Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) liệt kê loài chim này là không có nguy cơ bị tuyệt chủng. Tuy nhiên, các sự kiện thời tiết cực đoan hoàn toàn có thể đẩy chúng vào thảm họa.

Ngoài các chứng cứ lịch sử, nhiều bằng chứng hiện nay cho thấy lượng mưa và tuyết rơi tăng nhiều có thể làm chết chim cánh cụt non. Ví dụ, trong mùa sinh sản 2013 – 2014, 100% chim non của khoảng 34 nghìn con chim mẹ đều bị chết trong 3 sự kiện mưa và tuyết rơi cực nhiều không ngớt.

Chim non rất dễ chết trong mưa và tuyết rơi cực đoan vì bộ lông của chúng chưa phát triển đầy đủ để có thể bảo vệ cơ thể khỏi bị ướt dẫn đến chúng chết vì bị hạ thân nhiệt. Hơn nữa, tuyết rơi cực nhiều còn cản trở chim bố mẹ tìm vật liệu làm tổ cũng như tìm được những chỗ không có tuyết để đẻ trứng. Tuyết cũng rất nguy hiểm đối với quá trình ấp trứng, bởi vì tuyết tan có thể làm trứng bị ngập, trứng không thể nở hoặc chim non nở ra bị thiếu trọng lượng cần thiết để có thể phát triển khỏe mạnh.

Để ngăn ngừa chim cánh cụt chết hàng loạt, con người cần nỗ lực hơn nữa trong việc ngăn ngừa xu hướng ấm lên toàn cầu.

Cập nhật: 12/09/2018 Theo Dân Trí
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video