Vì sao "hố tử thần" xuất hiện nhiều ở Mỹ?

Lý do hố tử thần xuất hiện nhiều ở Mỹ

23 giờ đêm, Jeff Bush (sống ở ngoại ô Tampa, bang Florida, Mỹ) đang ngủ thì sàn nhà đột ngột mở rộng, ngoác ra một hố sâu nuốt chửng lấy anh. Em trai anh nhảy xuống hố, cố cứu mạng anh mình nhưng không thành. Tại bang Florida, Mỹ, sự việc "hố tử thần" tương tự như trên đã không còn còn xa lạ với người dân.

Bí ẩn trong lòng đất

Tháng 2/2013, một tiếng kêu chát chúa giống như tiếng xe đâm vào nhà. Ngay sau đó là tiếng la hét cầu cứu, rồi toàn bộ phòng ngủ của một gia đình ở gần thành phố Tampa, bang Florida cũng bị “nuốt chửng”. Chiếc hố sâu khổng lồ rộng chừng 8m và sâu hơn 20m. Vụ việc khiến 1 người đàn ông tên Jeff Bush, 37 tuổi đã vĩnh viễn ngủ yên dưới lòng đất. Chính quyền sau đó đã yêu cầu cư dân ở những ngôi nhà xung quanh phải sơ tán. Mike Merrill, người phụ trách hạt Hillsborough khi đó nói: “Hố sụt rất khác thường – rất sâu, rộng và đặc biệt rất bất ổn”.

Theo báo Christian Science Monitor, có khoảng 15.000 hố sụt ở khắp khu vực Florida nhưng hầu hết hố đều nhỏ và hiếm khi gây chết người. Sự việc anh Jeff Bush tử vong vì “hố tử thần” được coi là hãn hữu nhưng đã khiến người dân Mỹ vô cùng lo sợ.


Florida là nơi đặc biệt dễ ra sụt lún bởi vì nó nằm trên một phiến đá vôi khổng lồ mà tầng ngậm nước đang thấm qua và ăn mòn dần. (Ảnh minh họa)

Cô Ginny Stevens, một người dân nói với tờ Tampa Bay Times rằng, cô đã làm mọi thứ để sửa chữa căn nhà của mình sau vụ hố sụt, nhưng giá trị căn nhà rớt từ 350.000 USD xuống còn 125.000 USD.

Chi phí điều trị tâm lý thường đi kèm khi bạn phát hiện ra mình đang sống trên một hố tử thần chờ sụt. “Nếu đang sống trên một hố tử thần chờ sụt, bạn sẽ cảm thấy căng thẳng và lo lắng”, Randazzo, một người dân nói. “Bạn nghe những tiếng nứt, tiếng nổ lách cách, tiếng rên rỉ và ọp ẹp. Bạn biết rằng ngôi nhà không an toàn và bắt đầu tự hỏi liệu bao giờ nó sẽ sụp xuống”.

Các chủ nhà rất muốn biết về tình trạng hố sụt để đảm bảo lợi ích của họ, nhất là khi có công ty có thể giúp họ khắc phục vấn đề. Chẳng hạn như công ty GeoHazards ở Gainesville, Florida, có thể lấp đầy các lỗ hổng bằng cách bơm vữa vào. Nhưng dịch vụ này không hề rẻ, thường tốn tới hàng chục nghìn USD. Và ngay cả khi các hố tử thần đã được bảo vệ thì giá trị bất động sản cũng bị giảm đi.

Hiểm họa không báo trước

Florida có hơn 6.500 hồ sơ đăng ký bảo hiểm liên quan đến “hố tử thần” mỗi năm. Sandy Nettles, chủ sở hữu một công ty tư vấn về địa chất ở Tampa, nhận định: “Hiếm có nơi nào ở Florida thoát được hố sụt và không có cách gì để dự báo trước sự xuất hiện của chúng”. Hầu hết các vụ hố sụt diễn ra âm thầm trong lòng đất và bất ngờ nứt toác ra mà không có bất kỳ dấu hiệu báo trước.

Các nhà khoa học nhận định, bang Florida nằm ở khu vực nền bằng đá vôi và rất dễ bị ăn mòn bởi nước ngầm có chứa acid phía dưới.

Ngoài ra, hoạt động của con người cũng có thể là nguyên nhân tạo ra hố. Khi mực nước ngầm thay đổi – do xây dựng hay do bơm nước ngầm – các hố sụt có thể hình thành. Sự ăn mòn tạo thành các hang ngầm tiềm ẩn khiến nền nhà có thể sụt bất cứ lúc nào khi nền đá không còn chịu được tải trọng của đất.

Jonathan Arthur, giám đốc Trung tâm thăm dò địa chất Florida nói, các bang khác cũng nằm trên nền đá vôi nhưng Florida có các yếu tố khác như thời tiết nhiệt đới, mưa nhiều cùng các hoạt động khai thác nước ngầm. “Đây là những điều kiện khiến hố sụt có thể phát triển rất nhanh, hoặc có thể hình thành dần” – ông nói.

Clint Kromhout, một nhà địa chất tai Viện Khảo sát Địa chất Florida ở Tallahasee muốn nói với mọi người rằng, có những thứ mà chúng ta có thể biết chắc về Florida: nắng ấm, bãi biển, bão tố và hố sụt.

Thời tiết cũng là một nhân tố. Hạn hán làm mực nước xuống thấp còn mưa lớn trút xuống hàng tấn nước làm tăng sức ép lên trần các hố ngầm và cuối cùng dẫn đến đất sụt. Đó là những gì đã xảy ra ở Florida hồi tháng 6/2012 khi bão Debby tràn qua sau nhiều tháng hạn hán, để lại hàng trăm hố sụt trên đường đi.

Nghiên cứu dự báo “hố tử thần”

Kromhout và đồng nghiệp Alan Baker được tài trợ 1 triệu USD để xây dựng một bản đồ cho thấy những khu vực dễ bị sụt đất. Bản đồ này áp dụng phương pháp thống kê, kết nối các bằng chứng về các hố sụt đã xảy ra với dữ liệu địa chất như độ sâu của lớp đá vôi hay cấu tạo của lớp trầm tích nằm trên để đưa ra dự đoán về khả năng xảy ra sụt đất ở một khu vực nào đó.

“Chúng tôi có mặt tại hiện trường tập hợp các dữ liệu vào một danh sách các đặc điểm về mặt địa lý”, ông Baker nói. “Sau đó chúng tôi nhập các dữ liệu vào mô hình được xác nhận tính hiệu quả, bằng cách kiểm tra trên các hố sụt hiện có, và phép kiểm tra này cho ra một kết quả có thể chứng minh được về mặt khoa học”.


Hầu hết các vụ hố sụt diễn ra âm thầm trong lòng đất. (Ảnh minh họa).

Bản đồ thể hiện các mức độ dễ xảy ra sụt hố khác nhau bằng các màu sắc. Nó không chi tiết đến mức cho biết sẽ có hố sụt dưới nền nhà của bạn, nhưng nó sẽ cho biết những dấu hiệu nhận biết mà bạn phải tiếp tục theo dõi. “Mục đích chính là giúp cơ quan đối phó tình trạng khẩn cấp chuẩn bị cho cơn bão sắp tới mà có thể tạo ra nhiều hố sụt”, Kromhout nói.

Tuy nhiên, người ta lo ngại rằng, điều không thể tránh khỏi là người dân trên khắp Florida sẽ dùng tấm bản đồ này để xem liệu ngôi nhà của họ có khả năng nằm trên một hố sụt tiềm năng hay không, và điều này khiến mọi việc trở nên rắc rối. Trong khi đó, một số người dân Florida đã nêu quan ngại về bản đồ nguy cơ hố sụt. Nếu nó không chính xác thì nó sẽ khiến người ta lo lắng một cách không cần thiết.

Công nghệ InSAR

Một giải pháp có thể hiệu quả hơn nhằm phát hiện hố tử thần đang được NASA phát triển nhờ vào công nghệ InSAR (công nghệ giao thoa khe hở của các điểm ảnh), cho phép phát hiện những chuyển động rất nhỏ trên mặt đất. Nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực (JPL) của NASA đã sử dụng công nghệ InSAR để kiểm soát bờ biển Lousiana đang chìm vào Vịnh Mexico.

Khi “hố tử thần” xuất hiện ở Bayou Corne vào tháng 8/2012, nuốt chửng thị trấn và khiến nhiều người dân phải đi sơ tán, các nhà nghiên cứu đã trở lại và phân tích các hình ảnh radar quét lại được trước khi xảy ra vụ sụt đất.

Họ nhận thấy rằng, mặt đất chuyển động khá mạnh theo phương ngang tầm 25 cm hướng về trung tâm hố sụt một tháng trước khi sự việc xảy ra. Việc theo dõi những thay đổi tương tự tại các khu vực dễ xảy ra hố sụt có thể góp phần hình thành một hệ thống cảnh báo sớm, giúp sơ tán người dân trước một vụ sụt lún nguy hiểm có khả năng xảy ra.

“Không phải tất cả các “hố tử thần” đều bị biến dạng bề mặt trước khi xuất hiện, vì vậy phương pháp này không phải là một hạt đậu thần”, Ron Blom, nhà khoa học tại JPL và đồng tác giả nghiên cứu Bayou Corne khuyến cáo. “Nhưng chắc chắn rằng phương pháp này sẽ phần nào có hiệu quả cho hệ thống quan trắc. Bạn có thể có được nhưng dữ liệu InSAR cho khu vực xảy ra hố sụt và nếu nhận thấy mặt đất ở một khu vực có sự chuyển động, hãy đến hiện trường và xem chuyện gì đang xảy ra”.

Cả Blom và đồng tác giả Cathleen Jones cùng làm việc tại JPL đều biết rằng, chưa có một chương trình nào tương tư hệ thống cảnh báo của họ được thực hiện ở Mỹ. Nhưng bà Jones cho rằng các nhà chức trách đang xem xét vấn đề “hố tử thần” một cách nghiêm túc. Vấn đề không nằm ở việc các “hố tử thần” trở nên phổ biến mà sự xuất hiện của chúng đang ảnh hưởng xấu đến con người và tài sản.

Cập nhật: 27/04/2023 PNVN
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video