Vì sao người bệnh phổi hay mệt mỏi?

Bệnh phổi làm giảm lượng oxy cung cấp cho toàn bộ cơ thể, từ đó gây ra tình trạng mệt mỏi, kiệt sức ở người bệnh.

Mệt mỏi là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), đặc biệt khi bệnh ở giai đoạn tiến triển. COPD là một loại bệnh phổi tiến triển lâu dài gồm khí phế thũng và viêm phế quản mạn tính. Nghiên cứu cho thấy rằng khoảng 50-70% người mắc bệnh phổi mạn tính hay bị mệt mỏi.

Theo ThS.BS Mai Mạnh Tam, Phó khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội, người mắc COPD gặp khó khăn khi đưa oxy vào phổi và thải carbon dioxide ra ngoài. Sự thiếu hụt oxy và sự tích tụ carbon dioxide có thể khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi và thiếu năng lượng.

Trong bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, vách ngăn giữa các túi khí nhỏ bị suy yếu, vỡ ra, tạo thành các ổ giãn lớn không có chức năng trao đổi khí, làm giảm diện tích bề mặt của phổi, hạn chế lượng oxy từ phổi đến máu, tích tụ carbon dioxide trong phổi. Thêm vào đó là tình trạng viêm phế quản mạn tính đặc trưng bởi sự tăng tiết nhiều đờm nhầy. Do vậy, việc thở trở nên khó khăn, đòi hỏi người bệnh phải dùng sức nhiều hơn, tiêu tốn nhiều năng lượng, làm gia tăng thêm sự mệt mỏi.

Khi một người cảm thấy mệt mỏi, họ có xu hướng tự hạn chế tham gia vào các hoạt động rèn luyện thể chất hơn, sức chịu đựng dẻo dai của cơ thể theo đó cũng giảm dần. Bệnh phổi ở mức độ nặng, người bệnh sẽ xuất hiện mệt mỏi, khó thở ngay cả khi thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, chẳng hạn như làm việc nhà, vệ sinh cá nhân và các hoạt động giải trí đơn giản.

Bác sĩ Mạnh Tam cho biết, hiện tại mặc dù bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn nhưng nếu bệnh được kiểm soát tốt thì các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở có thế được cải thiện một cách đáng kể. Thuốc điều trị bao gồm các loại thuốc xịt hít tại chỗ giúp làm giãn hoặc mở rộng đường thở, thuốc long đờm giúp dễ ho khạc tống bỏ đờm, chất tiết. Sử dụng kháng sinh khi có đợt cấp do nhiễm trùng. Trong trường hợp bệnh nặng có thể áp dụng thở máy không xâm nhập hỗ trợ, kết hợp với liệu pháp oxy.


Sự thiếu hụt oxy và sự tích tụ carbon dioxide có thể khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi và thiếu năng lượng. (Ảnh: Freepik)

Bên cạnh đó, bác sĩ Tam khuyên người bệnh có thể tham khảo các bài tập thở dễ dàng thực hiện tại nhà để hỗ trợ hệ hô hấp như:

Thở mím môi: Thở mím môi là một bài tập phổ biến thường dành cho người bị khó thở. Người bệnh thực hiện hít vào bằng mũi, sau đó thở ra từ từ bằng miệng, giữ cho môi mím lại giống như đang thổi nến trong suốt quá trình thực hiện. Thời gian thở ra ít nhất gấp hai lần thời gian hít vào. Lặp lại tương tự cho đến khi kiểm soát được hơi thở của mình.

Thở bằng bụng: Thở bằng bụng giúp tăng cường sức mạnh cơ hoành, hỗ trợ tối đa trong việc tăng cường oxy vào cơ thể. Giữ một tay trên bụng trong khi hít vào sâu bằng mũi sau đó dùng tay nhẹ nhàng đẩy không khí ra khỏi bụng trong khi thở ra.

Thở trong lúc tập thể dục: Thở trong khi tập thể dục có thể là một cách hiệu quả để kiểm soát hơi thở. Học cách điều hòa hơi thở trong khi tập thể dục cũng giúp ích trong việc hít thở. Chẳng hạn trong khi đi bộ, hãy tập hít vào ở một số bước nhất định và thở ra ở những bước khác. Hoặc kết hợp hít thở trong các hoạt động cử tạ, thở ra khi nâng tạ và hít vào khi hạ tạ xuống.

Ho có kiểm soát: Những người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc mắc các vấn đề về hô hấp khác thường có nhiều chất nhầy trong phổi. Ho có kiểm soát (không giống như ho lúc bị cảm lạnh) thực sự có thể hữu ích. Cơn ho xuất phát từ sâu bên trong phổi nhằm cung cấp lực cần thiết để làm loãng chất nhầy đặc và loại bỏ ra ngoài đường thở.

Người bệnh thực hiện bằng cách khoanh 2 tay trước bụng và hít vào bằng mũi. Khi thở ra, hãy nghiêng người về phía trước một chút, đồng thời ấn 2 bàn tay vào bụng. Há miệng khẽ ho 2 tiếng. Mỗi cơn ho thực hiện trong thời gian ngắn, sâu và cơ hoành (cơ nằm giữa ổ bụng và lồng ngực) sẽ di chuyển lên trên. Sau đó, hít vào từ từ bằng mũi để ngăn chất nhầy bị đẩy ngược xuống đường thở. Nghỉ ngơi và lặp lại nếu cần thiết.

Bác sĩ Tam lưu ý, ngoài các bài tập thở, người bệnh phổi cũng cần ăn uống điều độ, tập thể dục nhiều và giữ gìn sức khỏe. Nếu hút thuốc, hãy bỏ thuốc lá để hướng đến một cuộc sống lành mạnh hơn.

Cập nhật: 15/06/2023 VNE
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video