Đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, bao gồm trẻ em, thanh, thiếu niên.
Đột quỵ (tai biến mạch máu não) ở trẻ em là tình trạng hiếm gặp. Theo thống kê từ Đại học Johns Hopkins, Mỹ, trong 4.000 trẻ sơ sinh, một trường hợp bị đột quỵ. Mỗi năm, 2.000 bệnh nhân bị tai biến mạch máu não ở quốc gia này là trẻ em, thanh - thiếu niên.
Hiệp hội Đột quỵ Anh cho hay tai biến mạch máu não ở trẻ em xảy ra ở nhóm từ 29 ngày đến 18 tuổi. Nguyên nhân và mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào tuổi tác của người bệnh.
Đột quỵ là tình trạng rối loạn đe dọa đến tính mạng, xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho não bị gián đoạn. Đột quỵ ở trẻ em được chia thành thiếu máu cục bộ (không đủ nguồn cấp) và xuất huyết (chảy máu trong).
Cũng như đột quỵ ở người lớn, trẻ em khi gặp tình trạng này nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời có thể tử vong. Đây là tình trạng đứng thứ 6 trong số nguyên nhân gây thiệt mạng hàng đầu ở trẻ em. Biến chứng của nó kéo dài, nghiêm trọng như khuyết tật thần kinh, suy giảm khả năng nhận thức và vận động vĩnh viễn.
Trẻ vừa chào đời vẫn có thể bị tai biến mạch máu não do các bệnh bẩm sinh. (Ảnh: Freepik).
Dấu hiệu nhận biết các cơn đột quỵ ở trẻ em
Các cơn đột quỵ xuất hiện thường đột ngột. Triệu chứng xảy ra nhanh, bất ngờ và đặc trưng. Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia, Mỹ, liệt kê các dấu hiệu nhận biết các cơn đột quỵ ở người dưới 18 tuổi như sau:
- Yếu hoặc tê liệt mặt, cánh tay, chân. Tình trạng này thường xảy ra ở một bên của cơ thể.
- Khó đi lại, cử động, mất phối hợp giữa hai bên cánh tay, cẳng chân.
- Gặp khó khăn khi hiểu ngôn ngữ, nói ngọng, khó phát âm.
- Đau đầu dữ đội, đặc biệt, nhiều trường hợp có thể kèm theo nôn mửa, buồn ngủ.
- Khó nhìn, một hoặc hai bên mắt mờ.
- Chóng mặt, mất thăng bằng, ngã.
- Xuất hiện nhiều cơn co giật, đặc biệt ảnh hưởng tới một bên cơ thể, tê liệt nửa người sau co giật.
Ở trẻ sơ sinh, tai biến mạch máu não đặc trưng bởi tình trạng co giật, buồn ngủ nhiều hoặc hôn mê, xu hướng lệch người, chỉ vận động được một bên cơ thể.
Phụ huynh nên cẩn trọng với những cơn đau đầu, co giật của trẻ. (Ảnh: Shutter Stock).
Nếu nghi ngờ, bạn có thể kiểm tra tình trạng của trẻ bằng phương pháp F.A.S.T do Trung tâm Kiếm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đưa ra.
- Khuôn mặt (Face): Yêu cầu trẻ mỉm cười. Miệng của người bị đột quỵ thường lệch sang một bên, nếp nhăn mũi - má mờ, mắt sụp. Một số bệnh nhân bị liệt cơ mặt, không thể cười hoặc cử động miệng bình thường.
- Cánh tay (Arm): Yêu cầu trẻ giơ cả hai cánh tay lên cao. Người bị đột quỵ thường không thể nhấc cả hai tay lên do yếu, liệt cơ.
- Lời nói (Speech): Yêu cầu trẻ lặp lại cụm từ đơn giản.
- Thời điểm (Time): Đây là yếu tố đóng vai trò sống còn khi cứu chữa trẻ bị đột quỵ. Do đó, nếu phát hiện các triệu chứng trên, chúng ta cần gọi cấp cứu ngay và ghi nhớ thời điểm phát bệnh để thông báo với nhân viên y tế.
Nguyên nhân và biến chứng
Người lớn bị tai biến mạch máu não do ảnh hưởng của các bệnh lý nền như huyết áp cao, tăng cholesterol trong máu, hút thuốc, béo phì và tiểu đường. Tuy nhiên, nguyên nhân gây đột quỵ ở trẻ em khác người lớn.
Nghiên cứu cho thấy những nhóm trẻ sau đây tiềm ẩn nguy cơ bị tai biến mạch máu não cao. Đó là trẻ bị thiếu máu hồng cầu hình liềm, dị tật bẩm sinh, bệnh tim, rối loạn miễn dịch hoặc các vấn đề đông máu. Trẻ mắc các rối loạn tiềm ẩn như mạch máu hẹp, dễ hình thành cục máu đông cũng có nguy cơ đột quỵ sớm.
Tuổi của trẻ tại thời điểm xảy ra các cơn đột quỵ sẽ quyết định phương pháp điều trị. Tình trạng này thường xảy ra ở 3 nhóm tuổi: Giai đoạn trước khi sinh, hoặc trong bụng mẹ; 28 ngày đầu tiên của cuộc đời, hoặc giai đoạn sơ sinh; trẻ dưới 18 tuổi. Mức độ tổn thương và hậu quả sẽ phụ thuộc vào vùng não nơi xảy ra các cơn tai biến.
Đột quỵ ở trẻ em có tỷ lệ tử vong từ 5 đến 10%. Hơn 50% trong số những bệnh nhân sống sót phải chịu ảnh hưởng thần kinh suy giảm lâu dài. 10-20% trẻ bị tai biến mạch máu não có nguy cơ tái phát.
Đột quỵ ở trẻ em có thể tái phát, gây nhiều biến chứng nguy hiểm. (Ảnh: Freepik).
Điều trị đột quỵ ở trẻ em như thế nào?
Trong giai đoạn đầu của đột quỵ, các bác sĩ sẽ điều trị cho trẻ bằng cách hỗ trợ cấp máu lên não. Đại học Johns Hopkins, Mỹ, thông tin phương pháp chữa trị cho trẻ sẽ kết hợp nhiều biện pháp khác nhau. Bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc, chất làm tan máu, chống đông máu.
Nếu bệnh nhân bị di động mạch hoặc phình, rách mạch máu, bác sĩ sẽ đặt ống thông. Trong một số trường hợp, trẻ bị đột quỵ sẽ được phẫu thuật cắt bỏ một phần xương sọ để giảm sưng não.
Chăm sóc hậu phẫu là giai đoạn đóng vai trò quan trọng. Tùy thuộc vào vị trí xảy ra các cơn tai biến, trẻ có thể sẽ gặp khó khăn khi đi, nhìn, nói hoặc đọc. Nhiều trường hợp bệnh nhi bị liệt tạm thời một bên cơ thể, rối loạn co giật hay ảnh hưởng suy nghĩ, cảm xúc.
Do những hệ lụy nghiêm trọng và lâu dài của tình trạng tai biến mạch máu não, phát hiện sớm các cơn đột quỵ là yếu tố sống còn của bệnh nhân. Phụ huynh nên chú ý tới sức khỏe của trẻ nếu các con thuộc nhóm có nguy cơ cao.