Rượu nếp, vải thiều, mận hay bánh ú tro là những món đặc trưng trong ngày Tết Đoan Ngọ. Vào ngày này, ở nhiều nơi, người ta còn ăn thịt vịt.
Có quan niệm cho rằng ăn thịt vịt vào những ngày đầu tháng thường "xui" cho nên thịt vịt xuất hiện trong danh sách các món ngon ngày Tết Đoan Ngọ khiến nhiều người bất ngờ. Nếu như nắm rõ các nguyên nhân sau đây, hẳn là bạn sẽ không còn cảm thấy khó hiểu tại sao nhiều địa phương ăn thịt vịt trong ngày Tết Đoan Ngọ như vậy.
Lý do Tết Đoan Ngọ lại ăn thịt vịt
Mang ý nghĩa "trấn áp" những điều xui xẻo
Ngày Tết Đoan Ngọ ở Trung Quốc có diễn ra Lễ hội Thuyền Rồng. Trong ngày này, rất nhiều món ăn hoặc hoạt động liên quan đến trứng vịt được thực hiện. Chẳng hạn như ăn lòng đỏ trứng muối (cho vào bánh bá trạng), tặng nhau trứng vịt luộc, ăn trứng trà, đập trứng vào nhau để cầu may mắn.
Trong ngày Tết Đoan Ngọ nhiều tỉnh miền Trung ăn thịt vịt quay hoặc thịt vịt luộc.
Còn ở ta, so với nhiều quan niệm ăn thịt vịt vào cuối tháng để "xả xui", trong ngày Tết Đoan Ngọ nhiều tỉnh miền Trung ăn thịt vịt quay hoặc thịt vịt luộc. Tết Đoan Ngọ ở các nước phương Đông đều mang ý nghĩa cầu an, cầu phúc. Nếu như Tết Đoan Ngọ, người Trung Quốc tặng nhau trứng vịt lộn, ăn trứng vịt muối, ăn thịt vịt thì ở nước ta nhiều nơi cũng ăn thịt vịt.
Bởi vịt trong tiếng Hán là "áp". Vịt đồng âm với "áp" nên mang nghĩa trấn áp sự xâm nhập của bệnh tật, tà khí. Đây cũng là lời chúc người thân, bạn bè luôn an lành.
Thịt vịt bổ dưỡng và có tính mát
Theo Y học cổ truyền, thịt vịt có vị ngọt hơi mặn, tính hàn, có tác dụng làm tăng thêm sinh lực, bồi bổ cơ thể cho người bị suy nhược. Theo sách Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân: "Thịt vịt chữa các chứng bệnh tiểu tiện bất lợi, nhiệt bệnh, hư lao, bổ ngũ tạng và thuỷ đạo. Nên chọn các loại vịt đực đầu xanh hoặc vịt lông trắng,...".
Thịt vịt còn có tác dụng giải độc mụn sưng và hạ nhiệt. Vào dịp Tết Đoan Ngọ, thời tiết nóng nực, oi bức. Gió hoạt động mạnh trên biển tạo nên sự ngưng tụ hơi nước dẫn đến mưa lớn kéo dài hoặc bão lũ thiên tai. Đồng thời vào tiết khí Hạ chí, lúc này, thời tiết thay đổi thất thường, dễ khiến con người nhiễm bệnh cảm cúm, ho sốt, say nắng, sốt xuất huyết,... Cho nên, việc ăn thịt vịt sẽ giúp cân bằng nhiệt, dưỡng thân tốt hơn.
Thịt vịt có tác dụng giải độc mụn sưng và hạ nhiệt.
Người Trung Quốc còn thích ăn trứng vịt muối vào ngày Tết Đoan Ngọ. Nhiệt độ tăng cao có thêm mưa lớn khiến vi khuẩn, côn trùng hoạt động mạnh. Ăn trứng vịt muối vào mùa hè oi bức sẽ có tác dụng giải độc, thông phổi, dưỡng âm, có lợi cho sức khoẻ. Bởi vậy, ngoài thịt vịt, người ta cũng ăn thêm trứng vịt muối.
Dân ta ăn thịt vịt thường luộc chấm mắm gừng, vịt quay/nướng chấm nước tương, xì dầu, nấu cháo vịt, vịt om sấu,... Hoặc mang vịt tiềm với hạt sen, táo đỏ cùng các nguyên liệu tốt khác gọi là vịt tiềm thuốc Bắc.