Sau hơn một tuần khảo sát và nghiên cứu tác nhân gây bệnh viêm da cho SV ở hai KTX ĐHQG TP.HCM và CĐ Sư phạm mẫu giáo T.Ư 3, chiều 16-1, nhóm khảo sát đã đưa ra kết luận cuối cùng về các tác nhân gây bệnh. Theo đó, đây là bệnh viêm da tiếp xúc, vị trí thường gặp ở vùng phơi bày với ánh sáng (mặt, cổ, tay, chân, phần trên thân mình). Bệnh thường gây ngứa, hoặc ngứa và rát, ít gây đau đớn.
Bác sĩ Hoàng Văn Minh cho biết: “Đây là bệnh lành tính, không lây. Tại hai KTX này có hai nhóm nguyên nhân chính gây ra viêm da tiếp xúc: do thực vật (lá cây, cỏ, bụi phấn hoa, tro từ thực vật bị đốt, đặc biệt là bụi rậm...) và do côn trùng (có hai nhóm côn trùng gây bệnh: nhóm chích, cắn và nhóm do chất dịch trong cơ thể côn trùng gây nên)”.
Theo các bác sĩ, khi bị bệnh viêm da tiếp xúc người bệnh không được rửa xà bông hay chất tẩy rửa trực tiếp lên vết thương; tránh cào gãi, chà xát. Nên thoa dung dịch màu như: xanh methylene hay castellani. Nếu ngứa rát nhiều có thể bôi kem corticoid và uống thuốc chống dị ứng. Để phòng tránh bệnh, cần mặc quần áo dài, không phơi áo quần ngoài trời; tránh chui vào bụi rậm, chơi trên bãi cỏ và dùng bẫy mùng để thu hút côn trùng...
Các chuyên gia y tế đang tìm bắt côn trùng Rove Beetle (ảnh nhỏ)
(Ảnh: TTO)
TRẦN HUỲNH