Viêm tai xương chũm dễ gây biến chứng nguy hiểm

Viêm tai xương chũm khá phổ biến trong cộng đồng, tỷ lệ người mắc bệnh có thể lên tới 5-8%. Người dân vùng nông thôn hay mắc chứng bệnh này.

Cấu tạo giải phẫu của xương chũm

Xương chũm là một bộ phận cấu thành của tai giữa. Xương chũm là loại xương xốp, chứa nhiều thông bào trong đó có một thông bào lớn nhất được gọi là sào bào, đây là nơi hòm tai thông với xương chũm, điều này giải thích viêm xương chũm được bắt nguồn từ viêm tai giữa không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách, hoặc do sức đề kháng của cơ thể quá yếu trong trường hợp sau khi người mắc bệnh sởi, cúm..., trẻ suy dinh dưỡng, độc tính của vi khuẩn quá mạnh.

Viêm xương chũm là hiện tượng tổn thương lan vào xương chũm ở xung quanh sào bào - tai giữa. Quy trình viêm kéo dài không quá 3 tháng, khác với phản ứng xương chũm do mủ ứ đọng trong tai giữa gây nên, phản ứng xương chũm này chỉ kéo dài 5-7 ngày là khỏi. Bệnh tích chủ yếu là viêm loãng xương và viêm tắc mạch máu xương, các vách ngăn giữa các tế bào xương bị phá hủy dần, các ổ mủ tập trung lại thành túi mủ, đôi khi xương bị chết từng khối và biến thành xương mục rồi từ đây gây ra nhiều biến chứng. Viêm xương chũm được chia làm hai loại là viêm tai xương chũm cấp tính và viêm tai xương chũm mạn tính.

Viêm tai xương chũm cấp tính

Viêm tai xương chũm cấp tính thường xuất hiện sau viêm tai giữa. Bệnh nhân bị viêm tai giữa cấp trước đó khoảng 3 tuần, các triệu chứng sốt, đau tai, nghe kém đang giảm dần đột nhiên lại sốt cao trở lại với nhiệt độ 39-40oC, có thể có phản ứng màng não như mê sảng, co giật. Đau sâu trong tai, đau theo nhịp mạch đập và đau phần xương chũm phía sau tai. Ấn trên bề mặt của xương chũm có phản ứng đau rõ rệt. Chảy mủ tai tăng lên hoặc ít đi do bị bít tắc dẫn lưu mủ, mủ thối. Nghe kém tăng lên, có thể kèm theo ù tai và chóng mặt. Đôi khi mủ phá vỡ các lớp bảo vệ xung quanh, chảy ra các tổ chức bên ngoài tai gây ra viêm tai xương chũm xuất ngoại như dấu hiệu sưng phồng ở trước trên nắp bình tai, sưng phồng ở phía sau tai, vành tai bị đẩy ra phía trước, mất nếp sau tai, mủ chảy xuống vùng cổ dọc theo cơ cổ ức đòn chũm làm sưng tấy vùng cổ, quay cổ khó khăn, mủ có thể phá vỡ cả da vùng này và tạo nên những lỗ rò.

Lúc này thầy thuốc khám tai sẽ thấy dấu hiệu xóa thành sau trên ống tai, làm xét nghiệm máu, thấy bạch cầu trong máu tăng cao chủ yếu là bạch cầu đa nhân trung tính. Hình ảnh trên phim X-quang thấy các vách ngăn tế bào xương chũm bị phá hủy, toàn bộ xương chũm mờ. Trước kia đã chẩn đoán là viêm tai xương chũm cấp tính thì phương pháp điều trị duy nhất là phẫu thuật khoét rộng xương chũm kết hợp điều trị nội khoa bằng kháng sinh toàn thân cùng với chống viêm. Ngày nay, với thế hệ kháng sinh đa dạng và hiệu quả, một số trường hợp viêm tai xương chũm có thể điều trị nội khoa bằng thuốc tiêm sau khi đã trích rạch mở rộng lỗ dẫn lưu ở màng nhĩ có sự theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc tai mũi họng.

Cách phòng bệnh duy nhất là phải điều trị viêm mũi họng thật tốt khi trẻ bị nhiễm bệnh, nếu không may đã bị biến chứng viêm tai giữa phải đến ngay thầy thuốc tai mũi họng để khám và điều trị.

Viêm tai xương chũm mạn tính

Viêm tai xương chũm mạn tính được xác định khi quá trình chảy mủ tai thối kéo dài trên 3 tháng.

Bệnh nhân thường kêu nhức nặng đầu phía bên tai bệnh, đau âm ỉ liên tục, thỉnh thoảng lại có cơn kịch phát. Mủ tai thường thối hoặc thối khẳn như cóc chết - đây là dấu hiệu nguy hiểm báo cho ta biết trong tai có chứa chất cholesteatoma, có khả năng ăn mòn xương gây biến chứng nội sọ. Khám tai thấy có lỗ thủng rộng, sát xương, bờ lỗ thủng nham nhở, đáy lỗ thủng bẩn. Đo sức nghe thấy sức nghe bên tại bệnh giảm, tuy nhiên mức độ thiếu hụt sức nghe phụ thuộc vào mức độ bệnh. Bệnh lý viêm tai xương chũm mạn tính nên phẫu thuật sớm để bảo tồn sức nghe và tránh viêm nhiễm tái phát.
Viêm tai xương chũm cấp hay mạn tính đều có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, áp-xe não, viêm tắc tĩnh mạch trong sọ, viêm các xương xung quanh hộp sọ, liệt dây thần kinh vận động cơ mặt làm méo mặt, áp-xe cổ hay áp-xe quanh họng rất nguy hiểm, là một trong những nguyên nhân gây tử vong tại khoa cấp cứu tai mũi họng.

Thạc sĩ Phạm Bích Đào

Theo Sức khoẻ đời sống, Nhân dân
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video