Viễn thông châu Á lộ ra "tử huyệt" sau động đất

Chỉ vài giây động đất dưới lòng đại dương đã đủ để toàn bộ mạng lưới viễn thông rộng khắp châu Á tê liệt và sụp đổ, dịch vụ Internet lê lết như rùa bò, điện thoại tắt ngúm còn giao dịch tài chính thì gần như đóng băng.

Giới phân tích cho rằng thảm họa Internet mà châu Á đang gánh chịu đã vạch rõ một tử huyệt bên trong mạng lưới viễn thông của thế giới: Quá phụ thuộc vào một vài trục cáp chính chạy dọc theo các đường kinh tuyến tại những khu vực dễ bị động đất, sóng thần mà không có những giải pháp dự trù, thay thế.

"Chúng chủ yếu được xây dựng từ giai đoạn cơn sốt dot-com hồi năm 2001, nhưng kể từ đó đến nay, hầu như rất hiếm được đầu tư thêm", nhà phân tích Tim Dillon cho biết. "Chúng ta đã quá quen với việc kết nối được ở mọi thời điểm, vì thế, khi đột nhiên Internet tắt ngúm, nhiều người đã bị sốc. Nhất là tại châu Á, nơi khối lượng kết nối dữ liệu di động và sử dụng Internet là thuộc loại khổng lồ".

Nguồn: AFP
Giờ đây, trận động đất đã khiến nhiều người phải mở mắt về nhu cầu xây dựng hệ thống dự phòng.

Những sự cố xảy ra với đường cáp ngầm dưới biển không phải mới xảy ra lần đầu. Động đất, núi lửa phun trào, neo tàu va phải, cá mập cắn nhầm... đều có thể khiến đường cáp bị đứt. Vì lý do này, người ta thường bó nhiều sợi cáp quang thành cuộn.

Lấy thí dụ, đường Loop Bắc Á của FLAG Telecom chạy ngầm dưới biển từ Hồng Kông đến Đài Loan, sang Hàn Quốc và Nhật Bản, sau đó chạy ngược trở lại Hồng Kông. Nếu một sợi cáp trong cả cuộn bị đứt, dữ liệu sẽ được tự động chuyển sang những sợi còn lại và người dùng hầu như không nhận thấy sự thay đổi nào.

Loay hoay tìm cách gỡ

Sự cố tê liệt xảy ra khi có quá nhiều sợi cáp cùng đứt một lúc ở nhiều trạm khác nhau. Vùng đáy biển ngoài khơi Đài Loan, nơi trận động đất xảy ra, có thể đặt tới hơn một chục đường cáp khác nhau và vì vậy, hậu quả mới lan rộng đến thế. Nhớ lại năm 2003, một trận động đất 6,8 độ rich-te ở Algeria đã phá hỏng mạng cáp ở Địa Trung Hải, cắt lìa kết nối tới Pháp và khiến cho truy cập Internet ở toàn bộ Trung Động chậm như sên.

Trong trường hợp châu Á, một số nhà cung cấp dịch vụ viễn thông ở Hồng Kông và Đông Nam Á tuy có điều dẫn (reroute) lưu lượng truy cập đến Mỹ qua cổng châu Âu để tránh tắc nghẽn ở Đài Loan, song vấn đề là có rất ít những trục cáp "Tây tiến" như vậy. "Chúng đã bị quá tải", ông Dillon cho biết.

Trước khi có mạng Internet, vệ tinh là một kênh dự phòng đáng tin cậy cho các cuộc gọi quốc tế. Thế nhưng vệ tinh lại không thể gồng gánh khối lượng dữ liệu Internet khổng lồ giống như mạng cáp quang được. Sử dụng vệ tinh cho mục đích này thì quá tốn kém và không khả thi.

Tất cả các nguyên nhân khách quan và chủ quan đã buộc châu Á phải dựa dẫm vào trục cáp tốc độ cao chạy xuyên châu Á - Thái Bình Dương sang Bắc Mỹ. Có khoảng 15 trục cáp kiểu này, và vụ động đất đêm thứ ba đã cho thấy: Một chấn động lớn có thể phá hủy cùng lúc nhiều đường cáp nếu chúng được lắp đặt quá gần nhau.

Đầu tháng 12 vừa qua, một nhóm các mạng viễn thông châu Á và Bắc Mỹ đã công bố kế hoạch xây dựng một đường cáp mới trị giá 500 triệu USD để nâng cấp tốc độ đường truyền giữa Mỹ và Trung Quốc. Dự án dự kiến khởi công trong vòng 3 tháng tới và sẽ hoàn thành vào quý III/2008.

Trọng Cầm

Theo AP, VietNamNet
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video