Việt Nam đã có vắc xin ngừa sốt xuất huyết đầu tiên

Tiêm vắc xin sốt xuất huyết giúp phòng tránh bệnh sốt xuất huyết ở người lớn và trẻ nhỏ, ngăn ngừa sự lây lan của virus Dengue và bảo vệ sức khỏe cho cả xã hội.

Vắc xin sốt xuất huyết là gì?

Vắc xin sốt xuất huyết là vắc xin phòng ngừa căn bệnh truyền nhiễm sốt xuất huyết ở người. Vắc xin sốt xuất huyết hoạt động trên cơ chế kích thích tạo ra khả năng miễn dịch một cách chủ động với các chủng virus Dengue gây ra sốt xuất huyết Dengue.

Vì sao nên tiêm phòng sốt xuất huyết?

Sốt xuất huyết Dengue là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến ở nước ta, dễ bùng phát vào mùa mưa và có nguy cơ gây thành dịch. Sốt xuất huyết Dengue gây ra bởi virus Dengue gồm 4 loại huyết thanh virus là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Muỗi Aedes là vật chủ trung gian truyền bệnh chính.

Nên tiêm phòng sốt xuất huyết vì vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes có khả năng sinh nở và tuổi thọ rất cao. Đến giai đoạn đẻ trứng, một cá thể muỗi Aedes cái có thể đẻ từ 100 đến 200 trứng; nếu điều kiện môi trường thuận lợi, chỉ mất khoảng 2 ngày để trứng nở thành ấu trùng, mất khoảng 7 ngày để từ ấu trùng phát triển thành nhộng và muỗi trưởng thành. Hơn nữa, muỗi cái còn có tuổi thọ cao hơn nhiều so với cá thể đực, nó có thể “nhởn nhơ” lây bệnh cho người khỏe mạnh trong 40 ngày sống của nó.

Đặc biệt là môi trường và khí hậu ở Việt Nam là hoàn toàn thuận lợi cho sự sinh sôi và phát triển của loài muỗi này. Có thể hiểu đơn giản rằng, chúng ta đang sống trong môi trường có đầy rẫy các vật chủ trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết đang hoành hành và có thể đốt chúng ta bất cứ lúc nào để lây truyền virus Dengue. Vì thế, cần tiêm vắc xin sốt xuất huyết để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm.

Bên cạnh đó, các hệ lụy khi mắc phải bệnh sốt xuất huyết là rất đáng chú ý. Nếu bị nhẹ thì sẽ gây sốt cao, đau nhức toàn thân, phát ban,… Còn nếu trong trường hợp xấu hơn thì rất có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như chảy máu nội tạng, suy tạng, rối loạn đông máu giảm huyết áp đột ngột hoặc thậm chí có thể gây tử vong nếu không được điều trị và xử lý kịp thời.

Vì thế, tiêm vắc xin phòng sốt xuất huyết có thể kích thích cơ thể tạo ra kháng thể đặc hiệu, chủ động với các tuýp virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết, nhờ đó giảm thiểu đáng kể nguy cơ mắc bệnh, giảm thiếu tối đa những hệ lụy đáng tiếc đến sức khỏe bản thân và cộng đồng.

Bệnh sốt xuất huyết phổ biến ở đâu?

Dựa trên môi trường sống “ưa thích” của tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết là muỗi Aedes, ta có thể xác định được các khu vực mà bệnh sốt xuất huyết phổ biến trên thế giới là Đông Nam Á, Ấn Độ, phía Nam Trung Quốc, Trung Đông, Trung Mỹ, Nam Mỹ, khu vực Caribe, châu Úc, châu Phi và Thái Bình Dương.

Bệnh sốt xuất huyết đặc biệt phổ biến ở một số vùng lãnh thổ của Hoa Kỳ và các vùng khí hậu nhiệt đới của Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.

Ở khu vực lãnh thổ của Hoa Kỳ, các khu vực mà bệnh sốt xuất huyết phổ biến bao gồm Samoa, quần đảo Virgin, Puerto Rico và các quốc gia lân cận như cộng hòa quần đảo Marshall, Cộng hòa Paula và liên bang Micronesia.

Ở Việt Nam, sốt xuất huyết lưu hành rất phổ biến ở cả 4 khu vực bao gồm miền Bắc, Trung, Nam và khu vực Tây Nguyên. Theo kết quả thống kê của cổng thông tin điện tử Bộ Y Tế Việt Nam, trong số các ca mắc sốt xuất huyết thì số lượng ca mắc sốt xuất huyết do virus Dengue chiếm đến 85%, trong đó có đến 90% ca tử vong là các bệnh nhân có độ tuổi dưới 15.

Có thể thấy, bệnh sốt xuất huyết do muỗi Aedes làm trung gian lây truyền tại Việt Nam đã và đang trở thành “nỗi lo sợ” to lớn trong cộng đồng, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh mà sốt xuất huyết còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng của họ. Vì vậy, chúng ta cần luôn đề cao cảnh giác trước những mầm mống có thể lây bệnh và tuyệt đối tuân theo những khuyến cáo về phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

Đối tượng nên tiêm phòng vắc xin sốt xuất huyết

Theo WHO, đối tượng có thể áp dụng tiêm phòng vắc xin sốt xuất huyết là trẻ em và người lớn tùy theo tình hình dịch tễ và gánh nặng bệnh tật ở từng quốc gia về tình hình sốt xuất huyết nghiêm trọng ở các nhóm dân số đặc thù cũng như các dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả của vắc xin sốt xuất huyết

WHO khuyến cáo các quốc gia cân nhắc đưa vắc xin sốt xuất huyết vào chương trình tiêm chủng thường quy tại các địa điểm địa lý mà cường độ lây truyền sốt xuất huyết cao gây ra vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng kể. Nhiều quốc gia có thể có sự phân bố địa lý không đồng nhất về cường độ lây truyền sốt xuất huyết và có thể cân nhắc việc đưa vào mục tiêu ở cấp dưới quốc gia.

Ngoài ra, nhóm đối tượng là phụ nữ có thai và cho con bú vẫn chưa có đủ dữ liệu cơ sở để có thể đưa ra được khuyến cáo nên tiêm vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết hay không. Với phụ nữ đang trong độ tuổi mang thai có thể tiêm phòng vắc xin sốt xuất huyết mà không cần tiến hành thử thai trước khi tiêm.


Trẻ em và người lớn trong độ tuổi từ 4 – 45 nên được tiêm phòng vắc xin sốt xuất huyết.

Các trường hợp không nên tiêm vắc xin sốt xuất huyết

  • Những người đang mang thai hoặc có kế hoạch mang thai trong vòng 1 tháng sau khi tiêm vắc xin.
  • Người đang cho con bú.
  • Những người bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải, bao gồm những người đang được điều trị bằng liệu pháp ức chế miễn dịch như hóa trị liệu hoặc liều cao corticosteroid toàn thân với liệu trình dài 2 tuần trở lên (ví dụ prednisone 20 mg/ngày hoặc 2 mg/kg trọng lượng cơ thể/ngày) trong vòng 4 tuần trước khi tiêm vắc xin.
  • Những người bị nhiễm HIV có triệu chứng hoặc nhiễm HIV không có triệu chứng kèm theo bằng chứng suy giảm chức năng miễn dịch.

Tiêm vắc xin sốt xuất huyết có tác dụng trong bao lâu?

Đến thời điểm hiện tại, trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ) cho biết rằng họ dự đoán tiêm vắc xin sốt xuất huyết có thể chống lại bệnh trong ít nhất 6 năm. Bên cạnh đó, vẫn có nguy cơ thấp là một số đối tượng đã được tiêm vắc xin vẫn có thể bị nhiễm hoặc tái nhiễm sốt xuất huyết.

Thông tin trên vẫn là một dự đoán nhưng chưa có cơ sở khoa học và chưa được công bố, hiện các nhà nghiên cứu trên thế giới vẫn đang nghiên cứu và tìm hiểu thêm về thời gian tác dụng của vắc xin sốt xuất huyết.

Tiêm vắc xin sốt xuất huyết mấy mũi là an toàn?

Theo Tổ chức Y Tế Thế giới WHO, hiện nay trên thế giới đang lưu hành 2 loại vắc xin sốt xuất huyết, bao gồm:

Vắc xin sốt xuất huyết của Takeda – Nhật Bản, sản xuất tại Đức được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép lưu hành tại Việt Nam từ tháng 5/2024 và lần đầu tiên được đưa về Việt Nam, chính thức triển khai tiêm chủng cho người dân toàn quốc từ ngày 20/9/2024 tại hàng trăm trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc. Vắc xin Qdenga phòng bệnh sốt xuất huyết được chỉ định tiêm 2 mũi cách nhau 3 tháng cho trẻ em từ 4 tuổi và người lớn, kể cả những người đã mắc sốt xuất huyết trước đây. Vắc xin mang lại hiệu quả phòng bệnh do cả 4 tuýp huyết thanh virus sốt xuất huyết với hiệu quả cao trên 80%, ngăn chặn nguy cơ nhập viện đến 90%.

Vắc xin sốt xuất huyết của Sanofi Pasteur, hãng dược phẩm hàng đầu thế giới của Pháp. Đây là vắc xin cần được tiêm 3 mũi cách nhau 6 tháng (0, 6, 12 tháng) theo quy trình tiêm chủng rõ ràng và hệ thống giám sát chặt chẽ để đảm bảo quá trình tiêm chủng đạt hiệu quả tốt nhất.

Vắc xin sốt xuất huyết (Takeda – sản xuất tại Đức)

Đây là loại vắc xin sống giảm độc lực được nghiên cứu, phát triển và sản xuất bởi Hãng vắc xin và dược phẩm Takeda – Nhật Bản, xuất xứ tại Đức. Tính đến hết tháng 08/2024,vắc xin này đã được phê duyệt ở hơn 40 quốc gia, gồm: Liên minh Châu u, Vương quốc Anh, Brazil, Argentina, Indonesia, Thái Lan và Malaysia… Tại Brazil, Argentina và Indonesia, được phê duyệt sử dụng trong chương trình Tiêm chủng quốc gia.

Vắc xin sốt xuất huyết của Takeda sản xuất là chế phẩm sinh học đặc biệt có khả năng phòng bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra, có khả năng bảo vệ chống lại cả 4 nhóm huyết thanh của virus dengue, bao gồm DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4, được chỉ định tiêm cho người từ 4 tuổi trở lên. Hiệu lực lâm sàng của vắc xin cao trên 80% trong việc phòng bệnh sốt xuất huyết và giúp ngăn chặn hơn 90% nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết nặng, biến chứng nguy hiểm và nhập viện điều trị. Vắc xin được chỉ định chủng ngừa cho người từ 4 tuổi trở lên áp dụng lịch tiêm 2 mũi cách nhau 3 tháng.

Vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết (Sanofi Pasteur)

Đây là vắc xin sốt xuất huyết sống tái tổ hợp đầu tiên được cấp phép, chỉ định tiêm theo liệu trình 3 mũi với khoảng cách giữa các mũi là 6 tháng, dành cho những người trong độ tuổi 9–45 hoặc 9–60 (tùy thuộc vào phê duyệt theo quy định của từng quốc gia) sống tại các quốc gia hoặc khu vực lưu hành sốt xuất huyết. Vắc xin này yêu cầu những người này phải sàng lọc trước khi tiêm vắc xin để phát hiện tình trạng nhiễm virus sốt xuất huyết trước đó. Chỉ những người có kết quả xét nghiệm dương tính mới được tiêm vắc xin. Do yêu cầu sàng lọc trước khi tiêm vắc xin, loại vắc xin này hiện không được sử dụng rộng rãi.

Một số tác dụng phụ khi tiêm vắc xin sốt xuất huyết


Nhức đầu là một trong những tác dụng phụ sau tiêm vắc xin sốt xuất huyết.

Đối với các đối tượng đã từng bị sốt xuất huyết, khi tiêm vắc xin sốt xuất huyết sẽ xuất hiện các tác dụng phụ như ngứa hoặc nhức ở vị trí tiêm, đau nhức toàn thân, nhức đầu, thiếu năng lượng, uể oải và khó chịu. Những tác dụng phụ này là dấu hiệu hoàn toàn bình thường cho thấy cơ thể đang phản ứng lại với vắc xin, cơ thể đang xây dựng cơ chế bảo vệ khỏi sự gây bệnh của virus. Các tác dụng phụ này sẽ biến mất hẳn trong vòng vài ngày sau khi tiêm.

Cũng giống như các vắc xin khác, vắc xin sốt xuất huyết cũng có thể gây ra một số phản ứng nghiêm trọng (rất hiểm) như phản ứng phản vệ…vì vậy, người đi tiêm chủng cần tuân thủ theo những hướng dẫn của nhân viên y tế.

Nên tiêm vắc xin sốt xuất huyết ở đâu tốt và uy tín?

Vắc xin sốt xuất huyết nên tiêm ở những trung tâm tiêm chủng hoặc các cơ sở y tế uy tín, đảm bảo được toàn bộ các yêu cầu khi tiêm loại vắc xin này như độ tuổi, tình trạng sức khỏe hiện tại và cần trang bị khu vực xử trí sau tiêm để hạn chế tối đa nguy cơ phản ứng nguy kịch.

Vắc xin sốt xuất huyết là một trong những vũ khí quan trọng trong chương trình tiêm chủng toàn cầu, giảm tình trạng lây lan dịch bệnh, bảo vệ tính mạng và giảm gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe, nhất là khi tình trạng sốt xuất huyết ngày càng tăng cao tại Việt Nam.

Cập nhật: 25/09/2024 VNVC
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video