Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết đã xây dựng 11 tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về trạm sạc xe điện trong đó 9 tiêu chuẩn về trạm sạc và 2 tiêu chuẩn về hoàn đổi pin xe điện.
Thông tin được nêu tại công văn số 149 do Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt ký hôm 18/1 trả lời kiến nghị của cử tri Bình Định và số 148 trả lời cử tri Thanh Hóa liên quan đến hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trạm sạc xe điện. Câu hỏi được cử tri đặt tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV diễn ra tháng 11/2023.
Theo đó Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng và ban hành 11 TCVN. Các tiêu chuẩn này được xây dựng dựa trên cơ sở tương đương tiêu chuẩn của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC).
Trạm sạc xe điện. (Ảnh: Professional Electrician).
Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng 18 tiêu chuẩn liên quan đến trạm sạc xe điện và các thiết bị điện liên quan như đầu sạc, dây cáp sạc, thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện. Ngoài ra Bộ cũng sửa đổi và bổ sung một số điều của thông tư 23 ban hành năm 2013 quy định về đo lường đối với phương tiện nhóm 2 với nội dung bổ sung "thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện". Thông tư sửa đổi bổ sung này dự kiến ban hành trong năm 2024.
Công văn cũng đề cập, thời gian tới Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với các bộ ngành nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ nhà đầu tư phát triển hạ tầng trạm sạc xe điện và khuyến khích người tiêu dùng sử dụng loại phương tiện này.
Hiện ở Việt Nam chưa có chính sách hỗ trợ phát triển mạng lưới trạm sạc nên nhu cầu của người dân chưa được đáp ứng. Tại tọa đàm thúc đẩy phát triển xe điện được tổ chức hồi tháng 11/2023, ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, cho biết đến nay cả nước có 20.065 ôtô điện sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu được cấp giấy chứng nhận. Con số này sẽ còn tăng trưởng trong thời gian tới, nhưng hệ thống trạm sạc lại rất thiếu.
Có nhiều nguyên nhân khiến việc phát triển trạm sạc còn hạn chế tại Việt Nam như hãng phải tự bỏ tiền xây dựng với chi phí đắt đỏ, dẫn tới thời gian hòa vốn lâu hay số lượng xe điện chưa thực sự bùng nổ để tạo sức hút cho các nhà cung cấp trạm sạc. Ngoài ra còn những nguyên nhân khác mang tính xã hội và vĩ mô từ chính sách của Chính phủ.
Hiện có 5 chuẩn sạc của châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và chuẩn toàn cầu (gồm châu Âu, dựa trên chuẩn do Tesla phát triển) dành cho 2 loại trụ sạc AC (xoay chiều) và DC (một chiều). Theo đó các chuyên gia kiến nghị Chính phủ cần hỗ trợ mạnh mẽ các công ty sản xuất xe điện, đơn vị cung ứng trạm sạc và người dân, cùng với đó là ưu tiên hạ tầng sạc trên những tuyến đường có mật độ giao thông cao. Cuối cùng là đầu tư hạ tầng lưới điện để đáp ứng yêu cầu mở mang trạm sạc.