Việt Nam đón nhật thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21

Hôm nay (22/07), là thời điểm diễn ra nhật thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21, với thời gian xảy ra nhật thực toàn phần cực đại là 6 phút 39 giây. Do không nằm trong vùng quan sát nhật thực toàn phần nên ở Việt Nam chỉ có thể quan sát được một phần của hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này.

Chỉ được quan sát một phần

Các nhà khoa học cho biết hiện tượng nhật thực diễn ra trong hôm nay sẽ kéo dài trong khoảng 6 phút 39 giây. Chính vì thế mà đây được xem là hiện tượng nhật thực dài nhất trong thế kỷ 21 bởi phải đến tận 123 năm sau này – tức vào ngày 13/06/2132 – loài người mới được chứng kiến một hiện tượng nhật thực khác có thời gian dài hơn hiện tượng sẽ diễn ra trong ngày mai.

Nhật thực sẽ bắt đầu xảy ra lúc 23:58:18 ngày 21/7 tính theo giờ UTC – tức khoảng 06:58:18 giây tính theo giờ Việt Nam. Đến khoảng 02:35:21 giờ UTC – tức 09:35:21 giờ Hà Nội – sẽ xảy ra nhật thực toàn phần cực đại. 

Hiện tượng nhật thực ngày 22/7

Địa điểm sẽ được quan sát nhật thực toàn phần cực đại vào đúng thời điểm trên đây là đảo Bonin nằm ở phía Đông Nam Nhật Bản. Đảo Iwo Jima ở phía Bắc Nhật Bản sẽ là nơi được quan sát toàn bộ hiện tượng nhật thực dài nhất thế giới và gần đạt mức tối đa 6 phút 39 giây.

Sẽ chỉ có người dân sống trong vùng hành lang hẹp trải dài từ Bắc Ấn Độ, Đông Nepal, Bắc Bangladesh, Bhutan, mỏm phía Bắc của Myanmar, vùng trung tâm Trung Quốc tới vùng biển Thái Bình Dương gồm các đảo Ryukyu, Marshall và Kiribati là có thể được quan sát hiện tượng nhật thực toàn phần lần này. Theo một số các nhà khoa học thì địa điểm tốt nhất để quan sát nhật thực toàn phần lần này là tại thành phố Taregana (Ấn Độ).

Khu vực Đông Nam Á – trong đó có Việt Nam – phần còn lại của Ấn Độ, Trung Quốc và phía Đông Bắc vùng đảo Thái Bình Dương gần sát Úc sẽ chỉ được quan sát hiện tượng nhật thực một phần trong ngày mai. 

Dải hành lang khu vực sẽ được quan sát nhật thực.

Hà Giang sẽ là địa điểm quan sát được hiện tượng nhật thực một phần lớn nhất tại Việt Nam với tỉ lệ che lấp lên tới 75,8%. Tiếp đến là Lào Cai (75%), Bắc Kạn (74,5%), Hà Nội (67,5%)...Càng về phía Nam, tỷ lệ này càng nhỏ: Cần Thơ (25,5%), Mỹ Tho (26%), TP HCM (27,4%)...Chi tiết tỉ lệ các khu vực được quan sát nhật thực tại Việt Nam cụ thể như sau.

Không được quan sát bằng mắt thường

Các nhà khoa học cảnh báo tuyệt đối không được quan sát trực tiếp nhật thực bằng mắt thường hoặc thông qua các thiết bị quan sát như kính thiên văn, kính mắt thông thường hoặc ống ngắm máy ảnh. Cho dù chỉ quan sát trong vài giây thôi nhưng người dân cũng có thể sẽ phải đối mặt với việc hỏng mắt, thậm chí là mù vĩnh viễn. 

Ánh sáng mặt trời không chỉ có cường độ lớn mà còn tập trung rất nhiều yếu tố nguy hại mà mắt thường không thể quan sát được – tia hồng ngoại và tử ngoại. Những yếu tố này có thể phá hỏng võng mạc của người quan sát.

Bình thường võng mạc con người không có khả năng cảm nhận đau đớn nên hầu như chúng ta sẽ không thể cảm nhận ngay lập tức tác hại của việc quan sát trực tiếp nhật thực. Thường phải vài giờ sau đó những tác hại mới hiển hiện.

Để có thể an toàn khi quan sát nhật thực, cần có các kính quan sát chuyên dụng. Nếu không có thể quan sát bằng các phương pháp khác nhau như nhìn qua tấm phim chụp XQ; dùng một tấm bìa khóet một lỗ tròn hướng tấm bìa về phía mặt trời sao cho ánh sáng đi xuyên qua lỗ tròn. đặt một tờ giấy trắng phía dưới sao cho hình ảnh mặt trời hiện thành một vòng tròn trên tờ giấy trắng. Khi hiện tượng nhật thực diễn ra chúng ta sẽ thấy đĩa mặt trời bị che khuất dần trên tấm giấy trắng. 

Một phương pháp khác cũng có thể sử dụng bằng cách đặt một chiếc gương nhỏ dưới chậu nước sau khi hoà mực hoặc phẩm màu và nhìn hình mặt trời “dịu mát” đi qua chậu nước màu này. 

 

Nhật thực không gây ra sóng thần

Nhật thực toàn phần là một hiện tượng bình thường của tự nhiên, không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, cây trồng cũng như làm ảnh hưởng đến cấu trúc địa tầng của Trái đất. Chính vì thế, những tin đồn cho rằng Nhật thực toàn phần lần này sẽ gây nên sóng thần, động đất… vẫn được các tin đồn phát tán trên mạng là sai sự thật.

Các nhà khoa học từ lâu cũng đã khẳng định rằng mặt trăng hay các hiện tượng như nhật thực nguyệt thực không thể gây nên động đất cho dù nó có kéo dài trong bao lâu đi chăng nữa. Cho đến nay mặt trăng mới chỉ được biết đến là có thể gây nên hiện tượng thủy triều. Trong trường hợp xảy ra nhật thực khả năng có thể xảy ra nhất là sóng biển có thể cao hơn ngày bình thường một chút. Đây chính là nguyên nhân khiến xuất hiện không ít tin đồn về việc nhật thực có thể gây ra sóng thần.




Dưới góc độ khoa học, hiện tượng nhật thực, đặc biệt là nhật thực toàn phần rất có ý nghĩa vì đây là cơ hội để các nhà khoa học nghiên cứu lớp khí quyển (sắc cầu) của mặt trời mà bình thường rất khó quan sát và nghiên cứu.

Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để kiểm tra những tính chất của lý thuyết tương đối rộng của Einstein bằng cách quan sát sự thay đổi vị trí biểu kiến của ngôi sao ở vị trí gần mặt trời trong mỗi kỳ nhật thực.

Một số nhà thiên văn còn tìm kiếm những thiên thể nhỏ gần mặt trời, bên trong quỹ đạo của sao Thủy. Đài quan sát không gian SOHO đã từng phát hiện ra một số sao chổi trong quá trình tiến sát mặt trời.

Theo Hoàng Dũng - VnMedia
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video