Việt Nam lần đầu thử nghiệm công nghệ điện trường bảo quản thực phẩm

Công nghệ tạo ra trường tĩnh điện giúp thực phẩm tươi cả tháng mà không bị đóng băng khi ở nhiệt độ đông lạnh.

Công nghệ bảo quản lạnh Hyokan (công nghệ điện trường) được Viện nghiên cứu và phát triển Vùng, Bộ Khoa học và Công nghệ hợp tác cùng một đơn vị của Nhật Bản nghiên cứu lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam. Công nghệ này sử dụng điện trường để bảo quản các loại thực phẩm có yêu cầu độ tươi ở nhiệt độ thấp như trái cây, rau, thủy sản để vận chuyển trong nội địa Việt Nam hoặc xuất khẩu, thời gian lên tới nhiều tháng.


Cấu tạo bên trong thiết bị làm lạnh dùng công nghệ điện trường.

Công nghệ này hoạt động dựa trên nguyên tắc tạo ra trường tĩnh điện với dòng điện áp cao, dòng điện lưu thấp bên trong tủ lạnh, có thể vừa duy trì được độ tươi của thực phẩm các loại mà không bị đóng băng ngay cả khi ở nhiệt độ đông lạnh.

Thử nghiệm trên trái cam Valencia 2 ở nhiệt độ 2 độ C và điện áp 3.500V cho thấy, chất lượng quả cam tốt hơn so với bảo quản trong tủ lạnh thông thường ở nhiệt độ 2 - 4 độ C. Quả cam được bảo quản bằng công nghệ Hyokan sau 4 tháng vẫn giữ được màu sắc vỏ, hao hụt khối lượng tự nhiên ít (2,8%), độ cứng quả (7,03 kg/cm2), hạn chế được các biến đổi hóa lý: hàm lượng chất khô hòa tan TSS (13,29%), hàm lượng vitamin C (24,37 mg%), đặc biệt chất lượng cảm quan vẫn duy trì ở mức độ tốt.

Nhóm nghiên cứu cũng thử nghiệm với quả dâu tây Mộc Châu, ở nhiệt độ -2 độ C, điện áp 3.500V cho chất lượng tốt hơn so với bảo quản ở nhiệt độ thường ở nhiệt độ 2 - 4 độ C. Dâu tây bảo quản bằng công nghệ Hyokan sau 28 ngày vẫn giữ được màu sắc bên ngoài, độ cứng có sự giảm chậm, hạn chế các biến đổi hóa lý (hao hụt tự nhiên giảm 0,58%, tỷ lệ hư hỏng là 36,11%).


Quả cam V2 sau 4 tháng bảo quản bằng công nghệ Hyokan (tháng 4 - 8/2018). (Ảnh: TH).

Các thí nghiệm cho thấy điện trường kết hợp với nhiệt độ lạnh làm ức chế hoạt động của vi sinh vật, làm chậm các quá trình biến đổi hóa, lý, sinh học bên trong quả dâu tây. Nhóm nghiên cứu khuyến cáo, để hạn chế những tổn thất và hao hụt về chất lượng, có thể tiêu thụ dâu tây trong khoảng 21 ngày khi bảo quản bằng công nghệ Hyokan.

Công nghệ này có thể áp dụng quy mô tùy thuộc theo nhu cầu bảo quản. Tức là tùy theo diện tích kho để lắp thêm thiết bị tạo trường tĩnh điện điện áp cao. Viện Nghiên cứu và Phát triển Vùng đang nghiên cứu thêm với dầu ăn, gạo, thịt và một số loại quả như vải, chanh leo... bằng công nghệ Hyokan nhằm đánh giá khả năng cũng như chất lượng bảo quản của công nghệ này đến từng loại sản phẩm. Kết quả nghiên cứu nhằm góp phần hạn chế tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, giải quyết bài toán xuất khẩu và vận chuyển đi xa khi ứng dụng trên các container cải tiến có lắp công nghệ Hyokan.

Cập nhật: 17/07/2019 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video