Chưa bao giờ vấn đề biến đổi khí hậu lại được đề cập nhiều như trong thời điểm này. Các nghiên cứu khoa học cho thấy, hàm lượng khí CO2 trong bầu khí quyển đang cao hơn bất cứ thời kỳ nào trong suốt hơn 600 năm qua. Khí CO2 phát sinh trong quá trình đốt cháy nhiên liệu than, dầu mỏ, khí thải.... làm gia tăng nhiệt độ trái đất.
Đây là nguyên nhân khiến các tảng băng ở Bắc cực tan nhanh, mực nước biển dâng lên. Theo nghiên cứu mới nhất của Ngân hàng thế giới, Việt Nam sẽ là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất ở khu vực Đông Nam Á từ sự biến đổi khí hậu này.
Hôm 3/6, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp với tỉnh Bình Thuận và một số tỉnh ven biển Nam Trung Bộ tổ chức mít tinh kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới với chủ đề "Băng tan - một vấn đề nóng bỏng". Đây là dịp để cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và người lao động trong cả nước đẩy mạnh các hoạt động cải thiện môi trường, giảm thiểu sự biến đổi khí hậu.
Chưa bao giờ vấn đề biến đổi khí hậu lại được đề cập nhiều như trong thời điểm này. Các nghiên cứu khoa học cho thấy, hàm lượng khí CO2 trong bầu khí quyển đang cao hơn bất cứ thời kỳ nào trong suốt hơn 600 năm qua. Khí CO2 phát sinh trong quá trình đốt cháy nhiên liệu than, dầu mỏ, khí thải.... làm gia tăng nhiệt độ trái đất. Đây là nguyên nhân khiến các tảng băng ở Bắc cực tan nhanh, mực nước biển dâng lên.
Với tốc độ như hiện nay, trong vòng khoảng 100 năm nữa, nhiều diện tích đất liền trên trái đất, trong đó có vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long và sông Hồng và có thể sẽ ngập chìm trong nước biển.
Ông Trương Mạnh Tiến - Viện trưởng Viện Chiến lược môi trường - Bộ Tài nguyên & môi trường, nói: "Theo nghiên cứu mới nhất của Ngân hàng thế giới, Việt Nam sẽ là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất ở khu vực Đông Nam Á. Nếu kịch bản về sự nóng lên của khí hậu toàn cầu và mức nước biển dâng khoảng 1m, Việt Nam sẽ có khoảng gần 20% diện tích và khoảng gần 1/5 dân số bị ảnh hưởng trực tiếp".
Hiện tại, sự xuất hiện của hàng loạt các làng ung thư, cùng với việc hạn hán và thiên tai xuất hiện liên tục là hậu quả của những tác động xấu về môi trường.
Cùng với việc dành 1% ngân sách quốc gia, khoảng 3500 tỷ đồng cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, sắp tới tất cả các tỉnh, thành sẽ có Chi cục Bảo vệ môi trường, các khu công nghiệp, khu đô thị lớn có đội ngũ chuyên trách xử lý môi trường. Các Bộ, ngành, tổ chức có chương trình hành động riêng về bảo vệ môi trường.
TS Lê Vân Trình - Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật Bảo hộ lao động - Tổng LĐLĐ Việt Nam nói: "Chúng tôi đang đẩy mạnh các phong trào cải thiện môi trường ngay trong các khu vực sản xuất, nâng cao nhận thức cho người lao động và chủ doanh nghiệp, với những cam kết rất cụ thể: bảo vệ môi trường, giảm thiểu sự biến đối khí hậu…".
Tích cực trồng và bảo vệ rừng nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu, khuyến khích sử dụng năng lượng tự nhiên như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học, xử lý triệt để các loại khí thải…là những thông điệp đưa ra trên toàn thế giới hưởng ứng Ngày môi trường thế giới năm nay.
Ngọc Tình