Ngày 2/12, nhiều chuyên gia quốc tế đã đến Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp tăng cường năng lực thực thi pháp luật về bảo vệ động thực vật hoang dã của Việt Nam.
Việc tăng cường thực thi năng lực pháp luật sẽ bảo vệ loài hổ tránh nguy cơ tuyệt chủng. (Ảnh: Internet)
Chương trình đặc biệt tập trung vào nạn buôn bán trái phép mẫu vật hổ. Năm 2010, loài mèo lớn này đã nhận được rất nhiều sự chú ý từ cộng đồng quốc tế.
Tại hội nghị thượng đỉnh bảo vệ Hổ diễn ra ở nga mới đây, 13 nước đã ký các cam kết nhằm tăng cường các biện pháp bảo vệ hổ, con mồi và sinh cảnh của chúng. Mục tiêu đến năm 2022, số hổ hoang dã trên thế giới sẽ tăng hơn 7.000 cá thể, gấp đôi hiện nay.
Thực tế, thời gian qua, các hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã diễn ra ở nhiều nơi, tiếp tục đe dọa những loài có nguy cơ bị tuyệt chủng cao như hổ, tê giác và voi với các đường dây phức tạp, liên quan tới cả tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và xuyên Châu lục từ Châu Phi tới Châu Á.
Trong hai ngày 2-3/12, Tổ chức Cảnh sát quốc tế, Tổ chức Hải Quan Thế giới, Mạng lưới Thực thi Pháp luật về loài hoang dã ASEAN… cùng gần 30 đại diện từ các cơ quan thực thi pháp luật cấp Trung ương và một số tỉnh giáp biên giới của Việt Nam, cũng sẽ họp thảo luận về những biện pháp tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật trong lĩnh vực kiểm soát buôn bán động vật, thực vật hoang dã qua biên giới và phòng chống các tội phạm quốc tế liên quan tới buôn bán loài hoang dã trái phép.
Tại đây, các chuyên gia về động vật hoang dã toàn cầu đề cập những lĩnh vực có thể hỗ trợ Việt Nam, cũng như các công cụ hỗ trợ trao đổi thông tin và hợp tác liên ngành, đồng thời phối hợp đa phương nhằm nâng cao năng lực thực thi pháp luật.
Tiến sĩ Hà Công Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cho biết đây là một cơ hội tốt để các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam và các Tổ chức quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn và những giải pháp đấu tranh chống nạn buôn bán động thực vật hoang dã trái phép.
Đồng thời, tăng cường phối hợp các nỗ lực nhằm đấu tranh chống nạn buôn bán trái phép mẫu vật động vật, thỏa thuận đa phương chủ yếu để kiểm soát việc buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã trên toàn thế giới.
Tiến sĩ William Schaedla, Giám đốc TRAFFIC Đông Nam Á, cơ quan kiểm soát buôn bán động thực vật hoang dã hỗ trợ kỹ thuật cho sự kiện này, cũng phát biểu bày tỏ mong muốn nhận được sự đóng góp chuyên môn từ các tổ chức địa phương và quốc tế, giúp ích cho công cuộc đấu tranh chống nạn buôn bán trái phép các loài quan trọng như hổ.