Virus corona cổ đại lan khắp Đông Á 25.000 năm trước

Một loại virus corona có thể đã lây sang tổ tiên của con người sống ở khu vực ngày nay là Đông Á.


Người cổ đại có thể đã nhiễm virus corona từ hàng chục nghìn năm trước. Ảnh: Shutterstock.

David Enard, trợ lý giáo sư sinh thái học và tiến hóa ở Đại học Arizona, Mỹ và cộng sự phát hiện con người đã đương đầu với virus corona nguy hiểm từ thời cổ đại. Theo Enard, virus thực sự là một trong những tác nhân chính của chọn lọc tự nhiên trong hệ gene của con người. Đó là vì các gene làm tăng cơ hội sống sót trước mầm bệnh của con người nhiều khả năng đã truyền sang thế hệ sau.

Sử dụng thiết bị hiện đại, nhóm nghiên cứu phát hiện dấu vết của mầm bệnh cổ đại thông qua xác định cách chúng thúc đẩy chọn lọc tự nhiên ở ADN của con người ngày nay. Thông tin có thể cung cấp hiểu biết hữu ích giúp dự đoán đại dịch mới bởi những dịch bệnh xảy ra thường xuyên trong quá khứ chắc chắn sẽ xuất hiện trở lại trong tương lai, Enard nhấn mạnh.

Dựa vào thông tin trong cơ sở dữ liệu công cộng, Enard và cộng sự phân tích hệ gene của 2.504 người ở 26 quần thể khác nhau trên khắp thế giới. Phát hiện chưa qua đánh giá từ hội đồng chuyên gia được chia sẻ trên cơ sở dữ liệu bioRxiv và đang trong quá trình thẩm duyệt để xuất bản trên tạp chí khoa học.

Khi virus corona tiến vào tế bào con người, chúng điều khiển bộ máy tế bào để nhân lên. Điều đó có nghĩa sự thành công của virus phụ thuộc vào tương tác của nó với hàng trăm protein khác nhau của con người. Nhóm nghiên cứu xem xét 420 protein có tương tác với virus corona, 332 protein trong số đó tương tác với nCoV. Phần lớn protein này giúp virus nhân lên trong tế bào, nhưng một số giúp tế bào chiến đấu với virus.

Các gene mã hóa những protein đó đột biến thường xuyên và ngẫu nhiên, nhưng nếu một đột biến cung cấp cho gene lợi thế như chiến đấu tốt hơn với virus, nó sẽ có khả năng được truyền lại cho thế hệ sau. Trên thực tế, nhóm nghiên cứu phát hiện người dân ở Đông Á có vài gene đã qua chọn lọc và có tương tác với virus corona. Nói cách khác, theo thời gian, một số biến thể xuất hiện thường xuyên hơn kỳ vọng. Chuỗi đột biến này chắc chắn giúp tổ tiên của quần thể dân cư ở đây đề kháng tốt hơn với virus cổ đại bằng cách biến đổi số lượng protein tạo ra bởi tế bào.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy biến thể gene mã hóa 42 trong 420 protein mà họ phân tích bắt đầu gia tăng tần suất xuất hiện cách đây khoảng 25.000 năm. Sự lan rộng của biến thể có lợi tiếp tục cho tới cách đây 5.000 năm, chứng tỏ virus cổ đại đã đe dọa con người trong thời gian dài.

Enard không loại trừ khả năng mầm bệnh cổ đại lây lan cho tổ tiên con người. Không phải virus corona mà là một loại virus khác tương tác với tế bào người tương tự như virus corona. Ông và đồng nghiệp hy vọng có thể cộng tác với các nhà virus học để hiểu rõ sự thích nghi giúp người cổ đại sống sót như thế nào khi tiếp xúc với virus corona nguyên thủy.

Nhóm nghiên cứu cũng hy vọng nghiên cứu hệ gene cổ đại có thể đóng vai trò như hệ thống cảnh báo sớm đại dịch tương lai. Ví dụ, đầu tiên, các nhà nghiên cứu có thể khảo sát virus trong tự nhiên không lây nhiễm sang người, sau đó tìm kiếm dấu vết của chúng trong ADN con người. Nếu họ phát hiện một virus từng gây nhiều dịch bệnh cổ đại, đó có thể là lý do để theo dõi chặt chẽ virus đó. Dù chúng ta có thể phát hiện tác động của virus cổ đại với tổ tiên con người, thế hệ tương lai chắc chắn không thể thấy dấu vết của nCoV trong hệ gene người. Nhờ vắcxin, virus không có thời gian để thúc đẩy thích nghi tiến hóa.

Cập nhật: 24/04/2021 VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video