Voi liên lạc với nhau bằng cách nào?

Theo một nghiên cứu xuất bản hôm thứ 4 ngày 5/12/2007, một con voi châu Phi có thể nhận biết hàng tá họ hàng của nó nhờ mùi nước tiểu. Nó cũng có thể dùng cái mũi cực thính để lần tìm những nơi họ hàng của nó hay lui tới.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, voi dùng trí nhớ và khứu giác tuyệt vời của nó để liên lạc với nhau trong rừng bằng cách nhận biết mùi nước tiểu của nhau.

Các nhà nghiên cứu đến từ trường đại học St Andrews đã tìm hiểu cách voi lần tìm dấu vết của 30 thành viên trong đàn khi chúng di chuyển. Loài voi thường hay gặp tình huống này do đàn của chúng thay đổi thành phần thường xuyên và các con voi không đi theo một nhóm cố định.

Tiến sĩ tâm lý Lucy Bates và giáo sư Richard Byrne khám phá ra, loài voi sống ở Kenya có thể nhận biết thành viên trong đàn của nó nhờ mùi nước tiểu đánh dấu. Chúng không những dùng khả năng này để nhận biết đồng loại mà còn có thể “nhớ” được những nơi từng con voi cụ thể đã đi qua, hoặc ở nơi nào đó vào một thời điểm xác định.

(Ảnh: Physorg)
Một vài loài động vật khác cũng có thể nhận biết đồng loại nhờ mùi nước tiểu, nhưng đây là lần đầu tiên phát hiện voi có khả năng đặc biệt này.

Giáo sư Dick Byrne giải thích: “Với con người chúng ta, công việc tìm kiếm 4 hoặc 5 thành viên gia đình hoặc bè bạn khi đi mua sắm cùng nhau không đến nỗi quá khó; Nhưng thử tưởng tượng bạn có tới 20 hoặc 30 người mà lại không hề có điện thoại di động! Loài voi thường hay di chuyển theo đàn với số lượng thành viên như thế, vấn đề còn trở nên khó khăn hơn vì thị giác ban ngày của chúng không được tốt. Còn tệ hơn, đàn của chúng thay đổi thành viên hàng tuần và từng con voi riêng lẻ lại không đi cố định với nhau.”

“Tuy nhiên voi có hai lợi thế tiềm năng so với con người: khứu giác vượt trội và một trí nhớ loài người không thể sánh bằng”.

Làm việc tại Kenya với thành viên của nhóm Amboseli Trust for Elephants (tạm dịch là Niềm Tin Cho Loài Voi), các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm khả năng nhận biết các cá nhân bằng mùi nước tiểu của loài voi. Họ nhận thấy những con voi rất thích thú với mẫu nước tiểu của thành viên vắng mặt trong gia đình chúng. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu nhận thấy, những con voi lần theo dấu vết của các thành viên hiện đang đi theo đàn với nhau và chúng rất “ngạc nhiên” khi thấy mẫu nước tiểu nằm “không đúng chỗ”.

“Chúng tôi đặt nước tiểu đánh dấu ở những nơi mà chúng không thể xuất hiện, vì những con voi được nghiên cứu thật ra đi ở cuối đàn. Chúng tôi nhận ra chỉ khi mỗi con voi thường xuyên khi nhớ vị trí của mỗi thành viên và có khả năng nhận biết từng thành viên cụ thể từ mùi nước tiểu, chúng sẽ phản ứng khác trong trường hợp này. Thật ra những con voi của chúng tôi đã lộ rõ vẻ ngạc nhiên với mẫu nước tiểu của những con thành viên đang ở sau chúng vào lúc đó”, tiến sĩ Bates giải thích.

Giáo sư Byrne cho biết: “Đối với hầu hết du khách tới châu Phi, điều khiến họ ít thích thú nhất là nhìn những chú voi khi chúng dừng lại để “đi tiểu”. Nhưng với loài voi, nước tiểu đánh dấu lại giúp chúng giữ liên lạc với thậm chí 30 thành viên khác trong gia đình lớn và thường xuyên thay đổi của chúng. Đây chính là một điểm khiến chúng ta phải khâm phục.”

Nghiên cứu này được công bố trên Tập San Royal Society.

Trà Mi (Theo Physorg)
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video