Voi xuất hiện nhiều bất thường

Đến chiều 4/9, các kiểm lâm viên tại vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk) cho biết đàn voi rừng khoảng 36 con hiện vẫn luẩn quẩn quanh khu vực tiểu khu 418 thuộc vườn quốc gia Yok Đôn.


Đàn voi khoảng 36 con di chuyển thành hàng cắt qua một khu rừng gỗ dầu
thuộc vườn quốc gia Yok Đôn - (Ảnh trích từ clip của kiểm lâm)

Ông Nguyễn Văn Hiệt - trạm phó trạm kiểm lâm số 11 thuộc vườn quốc gia Yok Đôn - cho biết thời điểm này voi từ địa bàn khác tìm về vùng đệm của vườn là hiện tượng bình thường do đang là mùa bắp, voi ra để kiếm thức ăn. Tuy nhiên, so với những năm trước thì tần suất voi xuất hiện trong năm nay nhiều hơn hẳn và số lượng ghi nhận trong đợt mới nhất này cũng có thể là đông nhất từ trước đến nay.

Đàn voi trên 30 con

Ông Hiệt mở đoạn clip mà ông và một kiểm lâm viên khác đã ghi lại được bằng điện thoại trong chuyến đi rừng gần đây. Trong đoạn phim này, một đàn voi khá đông đúc di chuyển thành hàng cắt qua một khu rừng gỗ dầu. Ở một đoạn clip khác, những chú voi trông khá hiền lành cắt ngang qua tuyến tỉnh lộ 16 dẫn vào xã Ia R’vê (huyện Ea Súp, Đắk Lắk) trước một nhóm người đi đường đang cố tiếp cận để xem voi. “Đoạn clip này tôi quay chiều 28/8, khi đó anh em đang đi tuần tra bỗng nghe tiếng rào rào như có mưa dông. Dừng lại để quan sát kỹ thì khá bất ngờ khi trước mắt là một đàn voi rừng rất đông, tôi đếm được khoảng 36 con, có cả voi con. Chính đàn voi này tôi đã từng thấy mấy tháng trước” - ông Hiệt nói.

Anh Y Ky, kiểm lâm viên trạm kiểm lâm số 11, dẫn chúng tôi ra hiện trường một số điểm mà đàn voi trong khi di chuyển đã phá hỏng nhiều thiết bị giao thông, biển báo. Tại đoạn đường cách trạm kiểm lâm số 11 chừng 500m là hình ảnh các cột mốc đường bị nhổ bật gốc, nằm chỏng chơ bên vệ đường. Ngay sát đó, một lối mòn rộng chừng 2m bị voi giẫm nát tạo thành rãnh dẫn sâu vào rừng. Anh Y Ky cho biết đây chính là đường di chuyển của voi từ khu vực trung tâm vườn quốc gia ra phía các nương rẫy để tìm thức ăn. Thời gian voi xuất hiện chủ yếu là từ 16h đến chạng vạng sáng, nhiều kiểm lâm viên trong khi đi tuần tra đã bắt gặp được voi.

Tại một địa điểm khác, một biển báo cao khoảng 2m, được đúc bằng bêtông kiên cố cũng bị voi quật đổ. Xung quanh, những dấu chân to lớn mới được giẫm lên, thỉnh thoảng xuất hiện nhiều bãi phân của voi. Anh Y Ky chỉ vào một dấu chân bằng nửa lòng bàn tay cho biết đây có thể là dấu chân của chú voi con mà trước đó anh và một kiểm lâm viên khác đã nhìn thấy khi đi tuần tra.


Dấu chân voi ở một đoạn đường voi đi qua trong vườn quốc gia Yok Đôn - (Ảnh: B.D)

Theo các cán bộ tại trạm kiểm lâm số 11, thời gian họ phát hiện đàn voi trong lần xuất hiện này là vào ngày 28-8, địa điểm là tại khu vực Cầu Hai (tiểu khu 418). Từ đó đến nay voi thường xuyên di chuyển qua các địa bàn khác rồi ban đêm trở lại các khu vực tuần tra của trạm. Ông Nguyễn Văn Hiệt cho biết việc voi xuất hiện cũng có thể xem như là tín hiệu vui nhưng việc tuần tra gặp rất nhiều khó khăn bởi voi di chuyển bất thường, ban đêm anh em đi tuần tra rừng có thể gặp nguy hiểm, chỉ cần thấy ánh sáng đèn là voi lao vào tấn công ngay.

Ông Hiệt cũng cho biết ngay từ khi xác định được voi tái xuất hiện, trạm kiểm lâm đã phát thông báo cho các hộ dân để có biện pháp bảo vệ hoa màu. Hằng ngày các kiểm lâm viên có nhiệm vụ theo dõi sự di chuyển của đàn voi để có phương án bảo vệ và gửi thông tin về ban quản lý vườn.

Người dân “khóc”

Việc đàn voi xuất hiện với số lượng đông đúc trong những ngày qua khiến nhiều hộ dân điêu đứng vì hoa màu bị voi phá hoại. Anh Việt, một hộ dân tại thị trấn Ea Súp (Ea Súp), cho biết đợt này anh trồng 6ha bắp, chuẩn bị bước vào thời điểm thu hoạch thì voi về phá sạch 4,5ha. “Đêm nào trong khu vực này cũng đông vui bởi nhiều người dân đốt lửa xua voi. Hiện giờ tôi còn hơn 1ha bắp, trong vòng một tuần nữa nếu “ông” không phá thì may ra tôi còn chút vớt vát”. Anh Việt cho hay vì hoa màu bị phá nên anh đã thuê thêm người để ban đêm vào rẫy đốt lửa đuổi voi. Cách đây khoảng một tuần, anh và người làm thuê đã bị voi rượt phải chạy lên đỉnh đồi do bật đèn pha chiếu thẳng vào mặt cả đàn.

Tại khu rẫy của chị H’Rem Siu và anh Lê Văn Lý (buôn B2, thị trấn Ea Súp) cũng ngổn ngang lều trại và những rẫy bắp bị voi quật nát. Anh Lý cho biết hầu như đến thời điểm này năm nào voi cũng về nhưng năm nay chúng về đông hơn hẳn nên hoa màu bị phá dữ hơn. “Ông ăn thì tui còn đỡ tức, chứ kéo cả đàn vào giẫm nát rồi bỏ đi, không có cách gì xua đuổi được nên giờ chúng tôi cũng bất lực rồi” - anh Lý nói.

Theo ông Nguyễn Văn Hiệt, việc người dân bức xúc trước chuyện voi về tàn phá hoa màu là điều đương nhiên nhưng hiện tại cán bộ kiểm lâm chỉ có thể vận động người dân bình tĩnh, sử dụng các biện pháp thủ công để xua đuổi voi, tránh gây nguy hiểm cho đàn bởi voi là loài vật rất nhạy cảm, cần phải bảo vệ nghiêm ngặt.

Theo Dân trí
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video