Vòng chun đeo tay hand made chứa chất độc hại

Nga đeo chiếc vòng thun hand made được bạn tặng nhân dịp sinh nhật, chỉ khoảng một giờ sau đã bị dị ứng nổi mẩn ngứa khắp cổ tay.

Bích Nga 19 tuổi, sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM cho biết, chiếc vòng là loại làm từ dây thun đang được bán phổ biến ở các cửa hàng trang sức dành cho teen. "Vừa bị ngứa em đã tháo vòng ra ngay, vậy mà da vẫn tiếp tục nổi mẩn, đã mua thuốc trị dị ứng bôi nhưng vẫn để lại sẹo", Nga kể.


Một số nữ sinh bị dị ứng nổi mẩn ngứa khi đeo vòng thun hand made. (Ảnh: Thi Trân)

Diệu Linh 17 tuổi, quê Đồng Nai, cũng gặp tình trạng dị ứng tương tự sau khi đeo chiếc vòng thun hand made 7 màu. Chiếc này thiếu nữ mua tại cửa hàng lưu niệm với giá 30.000 đồng: "Khoảng 2 tiếng đồng hồ sau khi đeo em có cảm giác rát ở vùng da xung quanh vòng, nghĩ do vòng chật nên không tháo ra. Sáng hôm sau da khu vực đeo vòng nóng ran và nổi mẩn, em phải tháo bỏ".

Loại vòng đeo tay handmade làm từ thun phong phú về kiểu dáng, màu sắc, có nhiều tên gọi khác nhau như: fishtail, rainbow loom, loom band charms. Mới đây, một cửa hàng trang sức ở Anh đã tẩy chay và thu hồi toàn bộ các sản phẩm này vì phát hiện chúng chứa hóa chất phthalates độc hại. Phthalate đã bị Liên minh châu Âu cấm sử dụng vài năm trước. Đến nay loại nguyên liệu này được tái sử dụng trong một số sản phẩm làm từ PVC (nhựa tổng hợp), đặc biệt là trang sức nhựa giá rẻ, vòng thun đeo tay và đeo cổ phổ biến trên khắp thế giới.

Tại Việt Nam, các loại vòng làm từ thun được bày bán phổ biến trong các tiệm trang sức giá rẻ ở TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và trên các trang bán hàng trực tuyến. Dòng sản phẩm này được nhiều bạn trẻ ưa chuộng do giá thành rẻ, mẫu mã đẹp, màu sắc phong phú.

Theo bác sĩ Trần Thiên Tài, phòng khám Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM, một số nghiên cứu cho thấy, thành phần phthalate trong các sản phẩm làm từ nhựa, thun có liên quan ít nhiều đến tình trạng hen suyễn khò khè và dị ứng, đặc biệt là ở trẻ em. Chất này cũng có thể gây ung thư, rối loạn nội tiết...

Phthalate là chất làm dẻo giúp tăng cường độ dẻo, bền và độ trong suốt cho các vật dụng như trang sức nhựa, cao su, thun, bao bì, túi, hộp, chai, vòng đeo tay, đồ chơi trẻ em... Ở điều kiện thường, phthalate dễ dàng thải ra môi trường, dễ bị hủy bởi nhiệt độ và ánh sáng. Con người có thể có thể tiếp xúc với chất này gián tiếp hoặc trực tiếp, đặc biệt nếu tiếp xúc thường xuyên qua đường tiêu hóa, không khí hoặc trực tiếp trên da có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Bác sĩ Thiên Tài khuyên cách tốt nhất để phòng tránh nguy cơ bệnh tật do tiếp xúc với phthalates là không dùng các sản phẩm có chứa chất này. "Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin về thành phần sản phẩm cũng như chứng nhận đảm bảo an toàn từ nhà sản xuất và các cơ quan kiểm duyệt", bác sĩ nói.


Vòng đeo tay làm từ dây thun chứa hóa chất độc hại bị tẩy chay ở Anh. (Ảnh: Express)

Theo bác sĩ Tài, nguyên liệu làm nên các loại vòng dây thun này là cao su. Ở điều kiện bình thường, cao su là một trong những yếu tố thường gây dị ứng, đặc biệt đối với người có cơ địa dị ứng. Cao su tự nhiên gây dị ứng cao hơn loại tổng hợp. Tỷ lệ dị ứng với cao su trong dân số trong khoảng 5-10%. Do đó người có cơ địa dị ứng với cao su được khuyến cáo không nên sử dụng đồ dùng làm từ vật liệu này như găng tay, giày ủng, đồ chơi trẻ em, bao cao su, bong bóng, quần áo hay các vật liệu có tính đàn hồi...

Nguyên nhân chính là do các loại protein trong cao su có khả năng gây phản ứng dị ứng cho cơ thể như rHev b1, rHev b3, rHev b5, rHev b6.01, rHev b6.02... Hơn nữa, protein trong cao su có thể phản ứng chéo với một số loại protein có trong vài loại trái cây. Chính vì vậy, những người dị ứng với cao su có thể dị ứng chéo với chuối, lê, trái kiwi, cà chua, khoai tây, hạt dẻ, rau diếp, thơm, đu đủ..

Phản ứng dị ứng với cao su bao gồm 2 loại là phản ứng nhanh và phản ứng muộn. Các biểu hiện thường gặp là mày đay, phù mạch, viêm mũi dị ứng, hen phế quản, viêm kết mạc dị ứng, viêm da tiếp xúc dị ứng, thậm chí gây tình trạng sốc phản vệ đe dọa đến tính mạng. Các triệu chứng có thể quan sát và cảm nhận được như nổi mày đay, nổi mẩn đỏ, mụn nước ở vùng tiếp xúc, có thể kèm theo ngứa da, ngứa mắt, khò khè, khó thở...

Bác sĩ Thiên Tài khuyên người nghi ngờ dị ứng với cao su nên đến bệnh viện có chuyên khoa dị ứng để thực hiện các xét nghiệm trên da hoặc xét nghiệm định lượng IgE đặc hiệu trong huyết thanh. Từ đó mới biết chính xác nguyên nhân dị ứng có phải là do cao su hay không.

Việc điều trị trong trường hợp này chủ yếu là phòng tránh tiếp xúc với cao su và các dòng sản phẩm nhựa cụ thể gây dị ứng. Bệnh nhân cần tìm hiểu kỹ thành phần các vật liệu trước khi sử dụng, không nên sử dụng sản phẩm làm từ cao su mà tìm các chất liệu khác thay thế. Để điều trị, bác sĩ có thể cho bệnh nhân uống các loại thuốc chống dị ứng, corticoide và một số loại khác.

Tiêu đề đã được khoahoc.tv đặt lại. 

Theo Vnexpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video