Vụ thất thoát phóng xạ: Môi trường đã được tẩy xạ

Trong ngôi nhà có chất phóng xạ, liều bức xạ chỉ còn 0,4 Micro Sivert; cao khoảng gấp hai lần mức phông của môi trường. Ngoài vỉa hè và lòng đường, mức độ phóng xạ trong môi trường gần như bình thường - ông Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân cho biết vào ngày 6/6. 

Ngôi nhà bị nhiễm xạ đang dần trở lại bình thường, các công nhân kỹ thuật đang tẩy xạ đưa ngôi nhà về trạng thái sinh hoạt bình thường. Ảnh Ngọc Huyền.

Ngày 26/5, Viện Công nghệ Xạ Hiếm mất một hộp hoá chất chứa đồng vị phóng xạ Eu-152 bột màu trắng, có khối lượng là 54,8 miligam, đựng trong một ampul thạch anh, bên ngoài có lớp chì bảo vệ và để trong một hộp sắt tây có đường kính 12 cm, cao 15 cm. Hoạt độ phóng xạ của chất trên hiện nay là 14 miliCuri.

Theo một chuyên gia Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân, đồng vị phóng xạ này dùng để đánh dấu trong nghiên cứu về đất hiếm. Loại đồng vị phóng xạ này được sản xuất ở lò phản ứng hạt nhân Đà lạt vào năm 1995.

Phát hiện kịp thời...

10h30 ngày 31/5, sau khi hộp phóng xạ trên bị mất cắp, Viện Công nghệ Xạ hiếm đã phối hợp với Công An A 17 phát hiện đối tượng lấy cắp và tìm được nơi cất giấu chiếc hộp.

Trước đó, trong quá trình sửa kho ở Viện Công nghệ Xạ hiếm, một người thợ đã lấy cắp hộp sắt này và mang bán cho một chị chuyên mua bán đồng nát quê ở Nam Định, hiện ngụ tại số 628, đường Bạch Đằng, Hà Nội.

Chiếc hộp sắt này nặng 7 kg và bán được là... 25.000 đồng! 

Eu-152 phát tia gamma

Europium được nhà hoá học Carl Mosander tìm ra vào năm 1843. Nó thuộc nhóm kim loại mềm, có màu bạc và là nguyên tố hoạt động mạnh nhất trong nhóm các nguyên tố đất hiếm. Nó rất ít khi tồn tại ở dạng tự do mà chủ yếu ở dạng hợp chất. Người ta ước tính rằng có khoảng 150.000 tấn Europium trong tự nhiên và chủ yếu tập trung ở các vùng mỏ lớn của Trung Quốc và Mỹ.
Về đặc tính hoá học, nó rất nhanh bị xỉn khi để ở môi trường và nhiệt độ trong phòng, dễ cháy ở nhiệt độ khoảng 150 - 180 độ C và rất dễ phản ứng với nước. Ngoài ra nó cũng có đặc tính hút nơtron (một loại hạt trung hoà).
Europium được ứng dụng trong các cần điều khiển lò phản ứng hạt nhân nhờ tính chất hút Nơtron, đồng thời hợp chất Phốt pho Europium được sử dụng trong các ống đèn hình của Tivi để tạo màu đỏ sáng và làm xúc tác để hoạt hoá các phốt pho hoá trị 3. Europium cũng được dùng để chế tạo đèn thuỷ ngân để dùng cho các đèn đường có được ánh sáng tự nhiên hơn. Còn chất đồng vị phóng xạ Eu-152 phát ra bức xạ gamma, với thời gian bán rã là 13,5 năm (tức là sau 13,5 năm thì hoạt độ của nó mới bị suy giảm đi một nửa). Tia gamma có thể phá huỷ tế bào sống trong cơ thể và gây ảnh hưởng nguy hiểm tới sức khoẻ con người.

Sau khi mua xong, người mua phế liệu đã... đập luôn chiếc hộp thành sắt vụn để bán lại! Nhưng khi đập ra, chiếc hộp đã vỡ làm hai phần và có ba cái chốt bên trong kèm theo một ít bột màu trắng rơi xuống sàn nhà. Vỏ sắt bên ngoài bị bật ra và rớt ra ngoài một lớp kim loại màu đen rất đẹp.

Người mua phế liệu đã lấy nam châm ra thử nhưng không có biểu hiện gì. Nghĩ đó là đồng đen (một kim loại quý) nên giữ lại không bán nữa, chỉ bán cái vỏ hộp.

Khi sự việc được phát hiện, mọi người mới bật ngữa... Đó là chất phóng xạ và chúng có thể phát ra các tia phóng xạ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của mọi người.

Nhanh chóng can thiệp, tẩy xạ triệt để

Ngày 5/6, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đã đưa chị Hoa (người mua phế liệu) cùng toàn thể gia đình đi kiểm tra sức khoẻ tại Viện Y học và U bướu quân đội - Cục Quân Y. Theo kết luận của Viện Y học và U bướu quân đội, hiện tại, chưa phát hiện sức khoẻ những người trong gia đình chị Hoa bị ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, Viện sẽ tiếp tục theo dõi tình trạng sức khoẻ đối với gia đình chị Hoa.

Theo ông Ngô Đặng Nhân, liều mà chị Hoa phải chịu tối đa là 5 mSv (Mili Sivert-đơn vị đo liều phóng xạ).

Trong trường hợp chị Hoa sống 24 giờ liên tục trong năm ngày từ ngày 26/5 - 30/5 thì mức liều chiếu xạ này vẫn có thể chấp nhận được theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6866:2001 đối với dân chúng trong khu vực.

Ngay sau khi phát hiện vụ việc các đơn vị kỹ thuật đã tiến hành các công tác tẩy sạch và cách ly ngôi nhà 628 Bạch Đằng, thu gom toàn bộ vật phẩm có dính phóng xạ và đào toàn bộ đất có phóng xạ đưa về kho lưu trữ chất thải phóng xạ của Viện Công nghệ Xạ hiểm. Chỉ có cán bộ kỹ thuật ra vào và phải mặc quần áo đeo khẩu trang theo quy định.

Đồng thời, các cán bộ kỹ thuật đã kiểm tra mức độ nhiễm xạ ở hai nhà liền kề (số 626 và 6030). Kết quả cho thấy, hai ngôi nhà trên không có dấu hiệu nhiễm xạ.

Đến 11h ngày 5/6, toàn bộ khu vực ngoài đường và vỉa hè đã được trả lại trạng thái bình thường. Bên trong ngôi nhà 628, môi trường cũng đang dần trở lại bình thường. Độ phóng xạ chỉ còn 0,4 mSv (Micro Sivert-đơn vị đo liều phóng xạ), tức cao khoảng gấp hai lần mức phóng xạ của môi trường trong điều kiện bình thường.

Kỷ luật người để thất thoát phóng xạ

Ngày 5/6, Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ đã gửi công văn giải trình tới chính quyền địa phương, nơi căn nhà bị nhiễm xạ để giải thích vụ việc và mức độ ảnh hưởng.

Ông Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục kiểm soát và An toàn bức xạ cho biết, nguồn phóng xạ bị lấy cắp có cường độ không lớn, khối lượng nhỏ nên mức độ thiết hại không quá nghiêm trọng.

Tuy nhiên, ông Nhân nói, sự cố mất nguồn phóng xạ vừa qua đã gây hoang mang cho nhân dân và ảnh hưởng tới quan hệ hội nhập quốc tế hiện nay. Trên thế giới, hiện đang có xu thế tăng cường an ninh các nguồn phóng xạ nhằm ngăn chặn bọn khủng bố sử dụng các nguồn phóng xạ để làm bom bẩn. Do đó, cơ quan chủ quản sẽ kiên quyết xử lý nghiêm khắc những đơn vị, các nhân đã để xảy ra sự cố mất nguồn phóng xạ như trên và gây hậu quả đáng tiếc.

Theo một chuyên gia Cục kiểm soát và An toàn bức xạ, Viện Công nghệ Xạ hiếm, đơn vị để mất cắp chất phóng xạ đã chịu trách nhiệm toàn bộ kinh phí sửa chữa căn nhà và đền bù những vật dụng bị nhiễm xạ trong nhà chị Hoa.

Trong vài ngày tới, sẽ có kết quả khiển trách, kỷ luật hoặc thôi việc đối với một số cán bộ chịu trách nhiệm quản lý nguồn phóng xạ này.

Ngọc Huyền

Theo VietNamNet
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video