WHO: An toàn thực phẩm là vấn đề của mọi nước

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi dư luận quốc tế không nên quá chú ý đến vấn đề an toàn thực phẩm của Trung Quốc, mà tất cả các nước đều cần phải tăng cường kiểm soát lĩnh vực mang tính toàn cầu này.

Tăng cường pháp chế về an toàn thực phẩm

Trước mối quan ngại ngày càng tăng về các xì-căng-đan thực phẩm và dược phẩm của Trung Quốc, ngày 17/07/2007, WHO cho rằng Trung Quốc không nên bị xem như một trường hợp cá biệt về an toàn thực phẩm (ATTP), mà tất cả các nước, dù giàu hay nghèo, đều phải cải thiện vấn đề này bằng cách đề ra những chính sách và qui định tốt hơn.

“WHO đang làm việc với tất cả các nước để tăng cường pháp chế về an toàn thực phẩm”. (Ảnh minh họa: Oznet.k-state.edu)

Tiến sĩ Margaret Chan, Tổng Giám đốc WHO, cho biết hàng tháng Liên hiệp quốc nhận được khoảng 200 báo cáo từ 193 quốc gia thành viên về các trường hợp thực phẩm bị nhiễm độc.

Nhưng theo WHO, có nhiều trường hợp bệnh phát sinh từ thực phẩm đã không được báo cáo đầy đủ, trong đó các bệnh do vi khuẩn salmonella hoặc E. coli chiếm một tỉ lệ lớn.

Bà Chan nhấn mạnh: “Tôi muốn nói rằng an toàn thực phẩm là một vấn đề lớn cho cả các nước phát triển lẫn các nước đang phát triển”. Bà cho biết “WHO đang làm việc với tất cả các nước để tăng cường pháp chế về an toàn thực phẩm”.

Các nước đang phát triển cần đẩy mạnh ưu tiên cho ATTP

Theo WHO, Trung Quốc là nước mà các qui định về an toàn thực phẩm và dược phẩm còn lỏng lẻo. Tình trạng này đã tồn tại trong nhiều năm và là nguyên nhân gây ra những xì-căng-đan gây chấn động dư luận trong thời gian gần đây.

Ngày 13/07 vừa qua, chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh cho các công ty dược và thực phẩm phải đặt vấn đế an toàn thực phẩm lên hàng đầu và kêu gọi các phương tiện truyền thông nên có cái nhìn lạc quan hơn về tình hình thuốc men và thực phẩm tại nước này hiện nay.

Nhiều bệnh nhân ở Panama đã tử vong vì thuốc ho có chứa thành phần hóa chất độc hại có xuất xứ từ Trung Quốc; vật nuôi ở Mỹ đã chết vì các loại thức ăn có chứa thành phần bị nhiễm độc cũng từ Trung Quốc, và kem đánh răng có chứa chất nguy hiểm cũng từ nước này đã được phát hiện ở Trung Mỹ và các khu vực khác trên thế giới.

Tuy nhiên, tiến sĩ Jorgen Schlundt, Giám đốc bộ phận An toàn thực phẩm của WHO, cho rằng Trung Quốc đã khắc phục những yếu kém của mình từ năm 2001 và đang thực hiện một số đề nghị của WHO.

Phát biểu với hãng tin Reuters, ông Schlundt nói: “Họ đang hành động theo hướng đó. Đã có một cam kết chính trị ở cấp cao để thực hiện một số biện pháp có liên quan”. Ông nhấn mạnh rằng an toàn thực phẩm là một vấn đề chung, chứ không riêng của nước nào.

Kỹ thuật viên Trung Quốc đang giám định chất lượng thực phẩm ở Bắc Kinh (Ảnh: Reuters)

Ông nói: “Chúng tôi không xem Trung Quốc là một trường hợp cá biệt cần đặc biệt quan tâm. Nước này đã nhận thức được sự cần thiết phải cải thiện hệ thống an toàn thực phẩm. Để làm được điều đó, nước nào cũng cần phải có một thời gian dài, chứ không riêng gì Trung Quốc. Sau cuộc khủng hoảng vể bệnh bò điên bùng phát năm 1896, nước Anh cũng đã phải mất một thời gian dài mới khắc phục được”.

Ông cho biết từ năm 1963, Ủy ban Codex Alimentarius – Ủy ban hỗn hợp của FAO và WHO – đã được thành lập với nhiệm vụ xây dựng các chuẩn mực quốc tế về an toàn thực phẩm và quy tắc thực hiện để bảo vệ sức khỏe con người trên toàn thế giới.

Theo ông Schlundt, hàng năm WHO ban hành từ 10 đến 20 “thông báo khẩn cấp” để cảnh báo về những vấn đề y tế quốc tế tiềm tàng có liên quan đến thực phẩm.

Đa số những thông báo này liên quan đến những vấn đề tồn tại ở các nước công nghiệp phát triển – những nước có hệ thống theo dõi và báo cáo dịch bệnh tốt hơn.

Ông cho rằng “một số nước đang phát triển có tình trạng yếu kém về an toàn thực phẩm vì họ chưa dành sự ưu tiên cho lĩnh vực này”. Để minh họa, ông viện dẫn trường hợp của tiểu vùng Sahara ở châu Phi và một số khu vực ở châu Mỹ La-tinh.

Tháng 9 năm ngoái, WHO đã cảnh báo tất cả các nước thành viên về sự bùng phát của bệnh dịch tả do vi khuẩn E. coli 0157 có trong rau bina ở Mỹ. Dịch bệnh này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến 205 người, trong đó có 3 người tử vong.

Quang Thịnh

Theo Reuters, VietNamNet
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video