WHO tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu

Tối 5/5, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus chính thức tuyên bố đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.

Đây là động thái quan trọng để chấm dứt đại dịch đã giết chết gần 7 triệu người, làm điêu đứng các nền kinh tế gần ba năm qua. Tuyên bố được đưa ra trong cuộc họp của Ủy ban Khẩn cấp về Covid-19 vào chiều 4/5. Ủy ban thường họp ba tháng một lần để thảo luận về đại dịch và báo cáo với giám đốc Tedros. Sau đó, ông sẽ quyết định xem Covid-19 có còn là trường hợp khẩn cấp quốc tế hay không.

Theo người đứng đầu WHO, đại dịch đang có xu hướng lắng xuống trong khi miễn dịch từ nhiễm bệnh và vaccine của người dân ngày càng tăng. Ngoài ra, tỷ lệ nhập viện và tử vong có chiều hướng giảm, không còn gây căng thẳng cho các hệ thống y tế như trước.

"Xu hướng này cho phép hầu hết quốc gia trở lại cuộc sống bình thường như trước đại dịch. Do đó, tôi tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do Covid-19", ông Teros phát biểu tại cuộc họp báo tại Geneva, Thụy Sĩ.

Tuy nhiên, người đứng đầu cơ quan y tế Liên Hợp Quốc cho biết quyết định này không có nghĩa nguy hiểm đã qua, đại dịch vẫn chưa kết thúc. Ông cảnh báo tình trạng khẩn cấp có thể được khôi phục nếu tình hình thực tế thay đổi.

Hiện, số ca mắc mới tăng đột biến ở Trung Đông, Đông Nam Á và Ấn Độ, nguyên nhân do biến chủng phụ XBB.1.16 của Omicron gây ra. Dù góp phần làm tăng đột biến số ca mắc mới, biến chủng không làm gia tăng số người chết, WHO báo cáo. Thực tế, các trường hợp tử vong đã giảm 95% kể từ tháng 1.

Trong khi đó, các chuyên gia có nhiều ý kiến về quyết định chấm dứt tình trạng khẩn cấp Covid-19 của WHO. Tiến sĩ Githinji Gitahi, giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Amref Health Africa, cho biết việc giữ quá lâu tình trạng khẩn cấp sẽ làm loãng các công cụ chống dịch. Tuyên bố của WHO năm 2020 đã giúp huy động các nguồn lực cho châu Phi, nhưng không có nhiều ý nghĩa trong việc chống lại "sự bất công về vaccine", ông Githinji nói.

Còn tiến sĩ Margareth Dalcolmo, thành viên Học viện Y khoa Quốc gia Brazil, nhận định còn quá sớm để dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp. Theo bà, thế giới còn nhiều nhiệm vụ cấp bách như nghiên cứu biến chủng nCoV và phát triển các loại vaccine tốt hơn. Bà cho rằng tình trạng khẩn cấp tạo đòn bẩy để các quốc gia thu nhập thấp tiếp cận phương pháp điều trị.


Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại hội nghị về vaccine Covid-19 ở Brussels, Bỉ hồi tháng 2. (Ảnh: AFP)

Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc lần đầu tuyên bố Tình trạng Khẩn cấp về Sức khỏe Cộng đồng (PHEIC) ngày 30/1/2020, vài tuần sau khi nCoV được phát hiện tại Trung Quốc. Khi ấy, thế giới có dưới 100 ca nhiễm, không trường hợp nào tử vong.

Chỉ sau khi ông Tedros gọi Covid-19 là đại dịch toàn cầu, nhiều quốc gia mới nhận ra mối nguy hiểm hiện hữu. Sau đó, các nước tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe đối với Covid-19, mục tiêu đẩy nhanh những nghiên cứu, tăng khoản viện trợ cho các biện pháp y tế công cộng để ngăn chặn dịch bệnh.

Theo dữ liệu của WHO, thế giới ghi nhận hơn 765 triệu trường hợp dương tính kể từ khi đại dịch bắt đầu, gần 7 triệu người tử vong. Châu Âu là lục địa có nhiều ca nhiễm nhất, trong khi số người tử vong nhiều nhất được ghi nhận ở châu Mỹ.

Đến nay, Mỹ đã tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp đối với Covid-19. Các chi phí điều trị, tiêm vaccine, xét nghiệm sẽ được chuyển sang bảo hiểm tư nhân và các chương trình y tế của chính phủ, thay vì miễn phí như giai đoạn trước.

Trước khi WHO tuyên bố thế giới ra khỏi giai đoạn khẩn cấp của đại dịch, Anh, Thụy Điển và một số nước châu Âu cho rằng Covid đã chấm dứt trên đất nước họ từ cuối năm 2022.

Hiện Việt Nam vẫn coi Covid-19 là tình trạng sức khỏe khẩn cấp trong bối cảnh số ca mắc mới đang tăng trở lại, kéo theo số trường hợp nhập viện và tử vong tăng. Tuy nhiên, Bộ Y tế nói tình hình dịch vẫn được kiểm soát, đa số ca mắc mới có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, không gây quá tải hệ thống y tế. Vào tháng 10/2022, Bộ Y tế cho rằng tình hình Covid-19 chưa ổn định và khó dự đoán, nếu tuyên bố hết đại dịch, Việt Nam sẽ gặp thách thức lớn như bị động khi xuất hiện biến chủng nguy hiểm, tâm lý chủ quan. Do đó, Việt Nam chưa thể tuyên bố hết dịch Covid.

Cập nhật: 06/05/2023 VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video