Xác định tín hiệu lạ từ "hành tinh của tử thần"

Ánh sáng xanh lá cây ma quái có thể giúp các nhà thiên văn tìm ra các hành tinh sống sót quanh một trong các loại "quái vật vũ trụ" đáng sợ nhất.

Theo Sicence Alert, một nghiên cứu quốc tế chỉ ra cực quang có thể được tìm thấy xung quanh những ngoại hành tinh "không thể tin nổi" quay quanh sao xung, một trong những vật thể cực đoan nhất vũ trụ.

Sao xung là một dạng sao "thây ma".


Quang cảnh trên một hành tinh quay quanh "thây ma" - (Ảnh: TS2 SPACE)

Trong khi những ngôi sao bình thường như Mặt trời sau khi "chết lần đầu" sẽ thành sao lùn trắng, thì các ngôi sao to lớn hơn gấp nhiều lần sẽ sụp đổ thành sao neutron, nhỏ hơn sao lùn trắng nhiều nhưng năng lượng cao hơn nhiều.

Sao xung là một dạng sao neutron cực mạnh, xoay rất nhanh và bắn ra xung quanh sóng vô tuyến.

Cả sao lùn trắng và sao neutron - bao gồm sao xung - là những thây ma mà trước đây người ta nghĩ ra rằng không có hành tinh nào sống nổi.

Nhưng vài năm gần đây, ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy một số hành tinh có thể may mắn sống sót kể cả khi sao mẹ đã trở thành thây ma.

Nhóm khoa học gia từ Học viện Khoa học Ba Lan, Đại học Silesian (Czech), Viện Thiên văn và vật lý thiên văn (Đài Loan - Trung Quốc), Đại học Carlos III de Madrid (Tây Ban Nha), Viện Khoa học vũ trụ quốc tế và Đại học Bern (Thụy Sĩ) đã chỉ ra một cách để săn loại hành tinh bí ẩn đó.

Cực quang, thường có màu xanh lá cây ma quái, vẫn thường thấy trên Trái đất, được tạo ra khi các hạt tích điện của Mặt trời lao vào từ quyển và khí quyển bao bọc hành tinh.

Nghiên cứu mới chỉ ra các sao xung cũng có thể đủ sức tạo ra cực quang trên các hành tinh còn sống quanh nó. Thậm chí cực quang này có thể được phát hiện bởi các kỹ thuật hiện tại của con người.

Ước tính khoảng 0,5% sao xung vẫn giữ được một hành tinh đồng hành quanh mình.

Các nhà khoa học đã lập nên mô phỏng về các cặp đôi kỳ lạ này, tập trung vào các xung mili giây từ sao xung và các hành tinh quay quanh chúng, đồng thời xem xét khả năng phát hiện các hành tinh này dựa trên phát xạ vô tuyến.

Kết quả thử nghiệm trên 2 ứng cử viên hành tinh không có từ trường riêng cho thấy tín hiệu từ cực quang của các hành tinh này phù hợp với khả năng của hai đài quan sát là mảng kính viễn vọng vô tuyến LOFAR (trải rộng trên 7 quốc gia châu Âu) và SKA đang được xây dựng tại Úc và Nam Phi.

Điều này sẽ mở ra một cánh cửa mới để nhân loại nhìn vào những hành tinh đang "trong tay tử thần", tức những ngôi sao chết. Và đó cũng là cách để dự đoán số phận Trái đất 5 tỉ năm sau, khi Mặt trời cũng biến thành "thây ma".

Cập nhật: 19/12/2023 NLĐ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video