Xác ướp cổ nhất thế giới đang phân hủy do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu

Tồn tại từ 7.000 năm trước, các xác ướp Chinchorro đứng trước nguy cơ bị phá hủy do hoạt động của con người và biến đổi khí hậu.

Nghĩa trang trên sa mạc Atacama, nơi người Chinchorro cổ đại trang trí và chôn cất xác ướp đang chịu ảnh hưởng ngày càng tăng từ biến đổi khí hậu.

Nghĩa trang trải dài trên đồi thuộc về Chinchorro, nền văn minh cổ đại bao gồm các thợ săn và ngư dân chuyên ướp xác người chết một cách tỉ mỉ. Sau khi tách da và cơ quan nội tạng ra khỏi thi thể, người Chinchorro bọc bộ xương bằng lau sậy, da sư tử biển, đất sét, lông lạc đà, tóc người. Điều đáng chú ý là người Chinchorro ướp xác tất cả, không phân biệt cấp bậc - kể cả trẻ em chết từ trong bụng mẹ. Họ cho rằng khí hậu khô nóng của sa mạc sẽ bảo quản xác ướp vĩnh cửu. Nhưng nghĩa trang của họ đang chịu tác động ngày càng mạnh từ thời tiết khác thường liên quan tới khủng hoảng khí hậu và các xác ướp lộ ra do nhiều yếu tố.


Xác ướp Chinchorro ở bảo tàng San Miguel de Azapa phía bắc Chile. (Ảnh: Bộ Văn hóa Chile).

Nhà khảo cổ học Jannina Campos đi bộ trên sườn đồi phủ đầy cát ở Arica, thành phố cảng ở rìa sa mạc Atacama, nơi khô nhất hành tinh. Trên sườn đồi có hàng chục cờ màu cam đặt vào tháng 12 năm ngoái. Mỗi lá cờ đánh dấu từng bộ hài cốt phát lộ do gió mạnh khác thường và lượng mưa tăng lên. "Mỗi lần có một xác ướp xuất hiện, chúng tôi lại đặt một lá cờ và chôn lại bộ xương. Những hài cốt đã được bảo quản ở đó trong suốt 7.000 năm", Campos chia sẻ.

Các nhà khảo cổ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: tìm cách cứu mọi thứ họ có thể hay chỉ chôn lại hài cốt và tập trung vào bảo tồn, nghiên cứu những xác ướp đã khai quật. Theo Bernardo Arriaza, chuyên gia hàng đầu về nền văn minh Chinchorro ở Đại học Tarapacá tại Arica, các bảo tàng đang bị quá tải.

Độ ẩm tăng lên ở Atacama đang phá hủy xác ướp nằm trong những bộ sưu tập. Một số xác ướp bị mốc, số khác khô mục hoặc bị côn trùng gặm nhấm. Cách kết hợp nhiều vật liệu bọc khiến giới nghiên cứu gặp khó khăn trong việc thiết lập điều kiện lưu trữ phù hợp. Ở một bảo tàng gần ngọn đồi, Campos chỉ vào hàng chục xác ướp Chinchorro, nền cát xung quanh đó có nhiều mẩu vụn màu trắng. "Không có giải pháp màu nhiệm nào. Đó là xương cốt đang dần hóa thành bụi", Claudio LaTorre, nhà cổ sinh thái học tại Đại học Công giáo Chile cho biết. Ngoài xác ướp, những dấu tích cổ xưa khác trên sa mạc cũng có thể sẽ biến mất.

"Biến đổi khí hậu do con người gây ra là điều khiến chúng tôi thực sự lo lắng, vì nó sẽ thay đổi nhiều khía cạnh tạo nên sa mạc ngày nay", LaTorre cho biết. Khi các xác ướp lộ ra, đôi khi do con người xây dựng đường sá hay các tòa nhà, sự xuống cấp bắt đầu xảy ra do điều kiện thời tiết.

Xác ướp Chinchorro được UNESCO đưa vào danh sách Di sản Thế giới hồi tháng 7 năm ngoái sau 20 năm xin cấp chứng nhận. Dự án xây dựng một bảo tàng điều hòa không khí mới trị giá 19 triệu USD trong năm nay ở gần Arica và mối quan tâm ngày càng gia tăng có thể góp phần giúp ngăn chặn sự biến mất của xác ướp.


Những xác ướp của người Chinchorro tồn tại từ hàng nghìn năm trước. (Ảnh: CBS News).

Xác ướp Chinchorro là ví dụ cổ xưa nhất của tập tục ướp xác có chủ đích, có niên đại 5.000 năm trước Công nguyên, lâu hơn 2 thiên niên kỷ so với xác ướp Ai Cập. Thung lũng sông Camarones nằm giữa sa mạc trống trải có thể đã thu hút những người Chinchorro đầu tiên tới định cư tại đây. Nhưng dòng sông cũng chứa 1.000 microgram thạch tín/lít, cao gấp 100 lần mức an toàn đối với con người. Mỗi khi uống nước, người Chinchorro vô tình tự đầu độc chính họ, theo kết quả phân tích mẫu tóc. Kết quả là họ cũng có tỷ lệ sảy thai và chết non cao. Nhiều trẻ em được ướp xác và trang trí bằng mặt nạ chạm khắc từ mangan đen.

Các nhà nghiên cứu hy vọng chính phủ Chile có thể bảo vệ các xác ướp tốt hơn. "Hãy nhìn cách nhiều hài cốt xuất hiện. Nếu chúng ta không trông chừng, xác ướp Chinchorro sẽ biến mất do biến đổi khí hậu", Cristian Zavala, thị trưởng thành phố Arica, cho biết.

Arriaza đang nỗ lực nâng cao nhận thức của mọi người về xác ướp với hy vọng điều đó sẽ giúp bảo tồn xác ướp tốt hơn. "Đó là một thách thức rất lớn vì bạn cần có nguồn lực. Nỗ lực của mọi người hướng tới một mục tiêu chung sẽ giúp bảo tồn địa điểm, bảo tồn xác ướp", Arriaza chia sẻ.

Cập nhật: 09/07/2024 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video