Xử lý đúng cách khi trẻ ho do trời nồm

Nhiều phụ huynh lo lắng khi con nhỏ ho mỗi đợt trời nồm, song không phải cơn ho nào cũng có hại và sử dụng thuốc ho cho trẻ cần đặc biệt lưu ý.

Những ngày ẩm ướt do trời nồm ở Hà Nội, số lượng bệnh nhi đến viện khám hô hấp tăng cao. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết trẻ chủ yếu bị viêm đường ho hấp trên và viêm đường hô hấp dưới, xuất hiện những cơn ho làm phụ huynh lo lắng.

Trên thực tế, cơn ho do nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ dù gây nôn cũng không phải vấn đề phiền phức. Chúng hiếm khi khiến trẻ kiệt sức và mất ngủ, ngược lại còn có lợi bởi giúp tống dịch nhầy, đờm ra ngoài. Vì vậy, PGS Dũng khuyến cáo cha mẹ bình tĩnh, không tìm mọi cách cắt cơn ho của trẻ.

Theo PGS Dũng, tùy bệnh lý, mỗi cơn ho lại biểu hiện khác nhau nên các bác sĩ sẽ là người ra quyết định trẻ cần thuốc không và nếu cần thì dùng loại nào.


Trẻ đang được khám bệnh tại Bệnh viện Nhi trung ương. (Ảnh: Lê Mai).

Ví dụ, nếu trẻ ho do cảm lạnh, virus, nhiễm khuẩn hô hấp trên, bác sĩ cho trẻ uống nhóm thuốc ho thảo dược, long đờm dù cơn ho không dùng thuốc vẫn có thể "hết lúc nào không biết" sau vài ngày hoặc 1-2 tuần. Nếu sốt ruột, cha mẹ hãy tìm đến thuốc Đông y hoặc thuốc ho tự chế từ thảo dược như mật ong ngâm chanh đào, lá hẹ, vỏ quýt hấp mật ong, hoa hồng hấp đường phèn.

Đối với ho do viêm phổi và viêm phế quản, trẻ sử dụng nhóm thuốc ho long đờm với acetylcystein có tác dụng tiêu chất nhày, giảm độ đặc của đờm ở phổi. Vì thuốc hoạt động bằng cơ chế kích thích bệnh nhân ho để tống đờm ra ngoài, nhiều bậc phụ huynh thắc mắc sao trẻ uống thuốc vẫn ho mà không biết cơn ho lúc này có lợi.

Thuốc ho chứa hoạt chất carbocysteine cũng tác dụng giống nhóm acetylcystein nhưng chỉ dùng với bệnh lý hô hấp khó khạc đờm như các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, dưới ở thể nhẹ và vừa.

Trong trường hợp trẻ ho dai dẳng do viêm mũi dị ứng, nên sử dụng thuốc xịt chữa dị ứng mũi hoặc thuốc clopheniramine, diphenhydramine kết hợp với một số chế phẩm khác để trị ho và cảm lạnh. Tuy nhiên, PGS Dũng lưu ý không dùng các loại thuốc này cho bệnh nhân ho do viêm phế quản, viêm phổi hoặc trong cơn hen phế quản cấp bởi có thể làm quánh niêm mạc dịch, dễ dẫn đến suy thở hoặc tác dụng phụ như khô miệng, buồn ngủ, ăn kém.

Xác định trẻ ho kích ứng, bác sĩ sẽ kê nhóm thuốc ho tác động lên trung tâm ho ở hành não như dextromethorphan. Thuốc không long đờm, chỉ giảm ho nhất thời đối với các trường hợp ho do kích ứng nhẹ ở phế quản, hay gặp trong ho cảm lạnh thông thường. Sử dụng dextromethorphan cần đặc biệt thận trọng vì dù độc tính thấp, uống thuốc liều cao cũng có thể gây ức chế hô hấp. Không dùng dextromethorphan với trẻ dưới 2 tuổi và bệnh nhân ứ đọng nhiều đờm, dãi.

Ngoài ra, thuốc ho chứa codein cũng giảm ho nhờ cơ chế tương tự dextromethorphan nhưng làm khô và quánh dịch tiết ở phế quản, không phù hợp với người nhiều đờm, không khuyến khích dùng cho trẻ dưới 5 tuổi.

Cập nhật: 19/03/2019 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video