Xuất hiện virus bí ẩn ở Trung Quốc, một con tôm nhiễm bệnh hủy diệt cả đàn

Virus Div-1 là gì?

Loại virus có tên Div-1 đã ảnh hưởng tới hơn 1/4 lượng tôm tại Quảng Đông, trung tâm nuôi tôm của Trung Quốc và có nguy cơ lây nhiễm rộng gây chết tôm hàng loạt.

Ngư dân nuôi tôm Trung Quốc đang chứng kiến ngày qua ngày cảnh tượng một loại virus bí ẩn tàn phá các trang trại nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Quảng Đông, khiến sản lượng các loại hải sản phổ biến sụt giảm thê thảm và đe dọa sinh kế của hàng chục nghìn hộ gia đình.

Virus này, được biết đến với cái tên Decapod iridescent 1 (Div1), được phát hiện lần đầu tiên vào đầu năm 2014 nhưng đã xuất hiện trở lại vào mùa xuân năm ngoái và một lần nữa vào tháng 2 năm nay, ảnh hưởng đến khoảng một phần tư diện tích sản xuất tôm, ngư dân địa phương cho biết.

Sự lây lan của dịch bệnh, dù được xác định vô hại cho con người, đã khiến ngành tôm ở Quảng Đông đứng trước nỗi lo về một tương lai có thể đối mặt với tôm chết hàng loạt ở quy mô tương tự như cuộc khủng hoảng sốt lợn ở châu Phi, dịch bệnh đã xóa sổ một lượng tương đương 60% số lợn tại Trung Quốc.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết virus DIV1 lây nhiễm cho tôm ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng và đã được phát hiện gây bệnh trên một số loài tôm biển, tôm nước lợ và tôm nước ngọt.

Hiện nay, đã phát hiện một số loài cảm nhiễm virus DIV1, bao gồm: tôm càng đỏ, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, tôm hùm đất hay tôm hùm nước ngọt, tôm càng sông hay tôm chà và tôm gai.

Tôm sú hoang dã ngoài tự nhiên vùng biển Ấn Độ Dương cũng được báo cáo là dương tính với virus DIV1.

Trong thực tế, phân bố của virus DIV1 trên thế giới có thể rộng hơn nhiều do chưa được điều tra cụ thể. Về đường truyền lây chưa xác định được rõ, tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết giun nhiều tơ (sử dụng làm thức ăn cho tôm bố mẹ, tôm hoang dã) cũng bị nhiễm virus DIV1 và là nguồn bệnh có khả năng làm lây truyền virus gây bệnh trên tôm.

Virus gây kinh hoàng cho ngành tôm

“Mức độ lây nhiễm và gây chết tôm của virus là rất khủng khiếp”, Wu Jinhong, một người nuôi tôm ở thị trấn Da’ao, thành phố Giang Môn, Trung Quốc cho biết.

“Chỉ mất hai hoặc ba ngày kể từ khi phát hiện vụ nhiễm bệnh đầu tiên tới khi tất cả tôm trong ao chết trắng”.

Các dấu hiệu nhiễm bệnh đầu tiên thường là khi tôm bắt đầu chuyển sang màu đỏ, trước khi vỏ của chúng mềm ra và tôm chìm xuống đáy ao, tờ South China Morning Post dẫn lời nông dân địa phương cho biết.


Một cơ sở nuôi tôm lớn tại Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Aqua Culture Alliance).

Theo ông Zhong Qiang, một người nuôi tôm khác ở thành phố Chu Hải cho biết rằng: “virus không phân biệt giữa các loài và lây nhiễm cả tôm lớn và nhỏ, tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương lẫn tôm nước ngọt khổng lồ”.

“Một khi một ao bị nhiễm virus, nông dân chúng tôi hầu như không thể làm gì khi nguy cơ các ao gần đó bị nhiễm bệnh chỉ vài ngày sau đó là rất cao”, ông nói.

Các nhà khoa học thuộc Học viện Khoa học Thủy sản Trung Quốc lần đầu tiên xác định loại virus bí ẩn ở tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương, loài tôm được nuôi chính ở Trung Quốc, tại tỉnh Chiết Giang vào tháng 12/2014.

Div1 chỉ nhận rất ít sự chú ý từ công chúng, bất chấp nhiều lo ngại trong ngành nuôi tôm rằng nó có thể lan rộng khắp các trang trại tôm tại đại lục.

Vào năm 2018, virus đã được tìm thấy trong các trang trại nuôi tôm và cơ sở chăn nuôi ở 11 tỉnh, Qiu Liang, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu thủy sản biển Hoàng Hải, cho biết. Trong đó, vụ dịch nghiêm trọng nhất tấn công các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên khắp đồng bằng Châu Giang năm ngoái.

Tại thị trấn Da’ao, nơi có gần 20.000 người - tức gần một nửa cư dân địa phương - làm việc trong các trang trại nuôi tôm, hai phần ba ao bị nhiễm virus vào mùa xuân năm 2019 và phải cho thoát nước ngay lập tức, Qiu cho biết.

Sự bùng phát có giảm bớt trong những tháng mùa hè và mùa thu khi nhiệt độ cao hơn, nhưng trở lại một lần nữa vào tháng 2. Các ngư dân nói rằng nhiệt độ trên 30 độ có thể ngăn chặn virus.


Một quầy bán tôm trong chợ địa phương tại Bắc Kinh. (Ảnh minh họa: Getty Images).

“Virus này gây kinh hoàng cho những người nuôi tôm, giống như cúm gia cầm đối với người chăn nuôi gia cầm và sốt lợn ở châu Phi đối với những người nuôi lợn”, Dai Jinzhi, một ngư dân vừa phát hiện 6 hecta hồ nuôi tôm của mình nhiễm bệnh, chia sẻ.

Sau khi buộc phải tháo nước tại các hồ tôm, nơi đang nuôi hơn 3,7 tấn tôm, Jinzhi chỉ còn lại 200 kg tôm còn sống - khiến anh thiệt hại hơn 100.000 nhân dân tệ (14.000 USD).

“Chúng tôi không thể làm bất cứ điều gì ngoài việc loại bỏ tôm và bán chúng với giá rẻ mạt, sau đó rút sạch nước tại các ao và để không chúng trong ít nhất hai tháng”.

“Một số ngư dân khác bị virus tấn công sau khi bắt đầu canh tác trở lại trong ao nhiễm bệnh (quá sớm). Vì vậy, tôi không dám nuôi tôm trở lại cho tới cuối tháng sau, khi thời tiết ấm dần lên”.

Nguy cơ bệnh lan rộng khi thiếu sự quan tâm cần thiết

Nguồn gốc của Div1 và cách truyền bệnh của nó hiện vẫn chưa được làm rõ, theo các chuyên gia trong ngành. Do không có cách nào hiệu quả để ngăn chặn sự lây lan, ngày càng nhiều hộ nuôi tôm ở Quảng Đông không cho phép người ngoài, bao gồm bạn bè và gia đình đến gần ao của họ - tương tự như cách những người chăn nuôi lợn ngăn người ngoài đến gần trang trại của họ do dịch sốt lợn.

Trong khi các bệnh nhiễm trùng mới “được cho là chủ yếu đến từ nguồn nước và môi trường địa phương”, thì ông Qiu cho biết có virus lây lan vào các trang trại thông qua con người.

Tuy nhiên, các nhà khoa học và tập đoàn công nghiệp cũng thừa nhận họ còn biết rất ít về virus.

“Theo những gì chúng ta biết, ngoài Trung Quốc, virus cũng đã xuất hiện ở Đông Nam Á”, ông Huang Jie, tổng giám đốc Mạng lưới các Trung tâm Nuôi trồng Thủy sản ở Châu Á-Thái Bình Dương cho biết. Ông nói thêm cần phải chú ý nhiều hơn đến Div1 vì những mối đe dọa mà virus này gây ra cho sản xuất tôm ở Trung Quốc.


Khi tôm nhiễm bệnh, ngư dân Trung Quốc không thể làm bất cứ điều gì ngoài việc loại bỏ tôm và bán chúng với giá rẻ mạt, sau đó rút sạch nước tại các ao và để không chúng trong ít nhất hai tháng. (Ảnh minh họa: AFP).

“Bùng phát lan rộng có thể xảy ra nếu thiếu sự quan tâm từ ngành nuôi tôm và trong các cơ quan chính phủ có liên quan”.

Rất khó để tính toán chính xác những tổn thất do virus gây ra vì không có dữ liệu chính thức hoặc dữ liệu từ bên thứ ba. Thông thường, một ao nuôi tôm có thể nuôi 4 đợt tôm mỗi năm, vì vậy chỉ cần một con tôm bị nhiễm virus, sản lượng hàng năm của ao sẽ giảm ít nhất là một phần tư.

Khi mức sống ngày một được cải thiện tại Trung Quốc, nhu cầu về tôm, tôm hùm và tôm càng tăng trong những năm gần đây. Nhưng sản lượng nội địa của một số loài giáp xác nuôi đã bị ảnh hưởng bởi virus Div1.

Cụ thể, căn bệnh này đã làm giảm sản lượng tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương xuống còn 1,2 triệu tấn vào năm 2018 so với 1,5 triệu tấn trong năm 2013, Niên giám thống kê thủy sản Trung Quốc năm 2019 cho biết.

Cập nhật: 26/05/2020 Theo Zing/infonet
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video