Trong vài thập kỉ nữa, con người sẽ phải thay đổi toàn bộ tập quán ăn uống và chuyển từ ăn thịt các loại gia súc sang ăn sâu bọ để bảo vệ môi trường. Có thể nhiều người sẽ cho đây là một câu chuyện đùa vui, nhưng đó là kết luận một công trình nghiên cứu vừa công bố của các nhà khoa học Hà Lan.
Món ăn từ côn trùng
Theo các nhà khoa học, trong tương lai không xa, sâu bọ có thể sẽ thay thế thịt trong các siêu thị. Đúng là thịt gà, bò, heo rất giàu proteine, nhưng chúng cũng là nguồn phát rất nhiều khí methane, một khí thải gây hiệu ứng nhà kính, còn ô nhiễm hơn cả CO2.
Vào lúc mà hiện tượng hâm nóng bầu khí quyển đe dọa Trái Đất, các nhà bảo vệ môi sinh rất lo ngại trước mức tiêu thụ thịt ngày càng tăng của nhân loại. Sâu bọ cũng chứa rất nhiều proteine, nhưng có lợi thế là ít chất béo, mà lại thải rất ít khí CO2, giá lại rẻ hơn nhiều so với thịt. Ăn sâu bọ, côn trùng còn có cái lợi là không sợ bệnh bò điên, lợn tai xanh, cúm gia cầm hay sán lá v.v...
Hơn nữa, với 10 kg cây cỏ, ta chỉ tạo ra được 1 kg thịt, trong khi một lượng tương đương có thể tạo ra được từ 6 đến 8 kg sâu bọ. Rõ ràng năng suất nuôi sâu bọ cao hơn rất nhiều so với nuôi heo, bò, gà vịt.
Các nhà khoa học cho rằng, để vừa đảm bảo lượng proteine cần thiết, vừa bảo vệ môi trường, lại vừa tránh được bệnh tật, con người hãy chuẩn bị thưởng thức những món ăn như "chả giò châu chấu" hay "nhộng tẩm bột chiên giòn xào chua ngọt". Giới khoa học cũng dự đoán trong tương lai, nhiều côn trùng sẽ được xay thành bột, để từ đó chế biến thành các món ăn quen thuộc hơn như bánh mì, như vậy những ai có sợ côn trùng cũng có thể ăn được.
Các nhà khoa học kết luận, dù thế nào, con người cũng sẽ phải bớt ăn thịt lại hoặc tìm một nguồn proteine thay thế, bởi theo dự báo của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), đến năm 2050, dân số thế giới sẽ tăng lên tới 9 tỉ người. Đến lúc đó, diện tích đất nông nghiệp hiện có sẽ không thể cung cấp đủ lượng thịt cho tất cả mọi người.