Ấn Độ phát hiện một khối hổ phách lớn nhất lịch sử

  •   32
  • 5.207

Các nhà nghiên cứu hóa thạch quốc tế vừa phát hiện một hổ phách có trọng lượng lên tới 150 kg tại tỉnh Gujarat, miền tây Ấn Độ. Đây được cho là tấm hổ phách lớn nhất trong lịch sử với hàng trăm sinh vật tiền sử trong đó và có niên đại khoảng 52 triệu năm.


Hổ phách. (ảnh minh họa: Internet)

Nhà khảo cổ học Rogers Rooster, thuộc Đại học Bonn (Đức) cho biết đã tìm thấy trong tấm hổ phách rất nhiều sinh vật cổ đại như ong, nhện, mối, muỗi, kiến, ruồi...Mặc dù có niên đại tới 52 triệu năm tuy nhiên hổ phách vẫn giữ được trạng thái hoàn chỉnh.

Hiện tại, các nhà khoa học đã xác định được có hơn 700 loài động vật chân đốt, một số loài côn trùng, động vật giáp xác trong tấm hổ phách.

Hổ phách là chứng cứ cổ nhất giúp giới khoa học tìm hiểu rừng nhiệt đới châu Á. Nghiên cứu phát hiện tấm hổ phách này có mối quan hệ với một cây gỗ cứng có tên gọi Dipterocarpus. Gỗ cứng Dipterocarpus chiếm 80% trong các khu rừng rậm ở Đông Nam Á.

Ngoài ra, tại khu vực phát hiện hổ phách các nhà khoa học cũng tìm thấy hóa thạch của loài cây gỗ cứng này.

Việc phát hiện những côn trùng trong hổ phách giúp giới khoa học giải thích sự sống trước khi mảng Ấn Độ va chạm với châu Á, và chứng minh được rằng sự dung hợp giữa các động vật đã đạt tới mức độ tương đối cao.

Mảng Ấn Độ đã từng liên kết với châu Phi, tuy nhiên bắt đầu phân tách cách ngày nay 160 triệu năm.

Tính đến thời điểm hiện tại nhóm các nhà khoa học quốc tế đã tìm được 100 chủng động vật chân đốt khác nhau, trong đó có một số loài có mối quan hệ gần gũi với những loài động vật sống ở châu Phi và Madagascar.

Theo Vietnam+
  • 32
  • 5.207