Ngày 2/4, Chủ tịch Tổ chức nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO), Tiến sĩ K. Radhakrishnan cho biết trong vòng một năm tới, nước này sẽ phóng tàu con thoi tự chế tạo đầu tiên.
Tàu con thoi Discovery. Ảnh minh họa.
Tàu vũ trụ nói trên của Ấn Độ có hình dạng giống máy bay, hoạt động bằng sức đẩy của động cơ tên lửa.
Trong chuyến bay đầu tiên, tàu sẽ bay lên quỹ đạo cách bề mặt Trái Đất 60km, sau đó lượn trở lại xuống mặt đất.
Sau chuyến bay này, các nhà khoa học Ấn Độ sẽ đánh giá hiệu quả các công nghệ tiên tiến sử dụng trong chế tạo con tàu như hệ thống hạ cánh tự động, hệ thống khí động lực, và công nghệ bay hành trình…
Trong các chuyến bay tiếp theo, tàu sẽ hoạt động lâu hơn trong khoảng không vũ trụ để thử nghiệm độ tin cậy cũng như khả năng đưa các vệ tinh lên các quỹ đạo cao hơn của Trái Đất.
Theo tiến sĩ Radhakrishnan, mặc dù có nhiều ưu thế, song dự án chế tạo tàu con thoi này cũng gặp một số thách thức về công nghệ. Đặc biệt, các nhà khoa học phải tính toán giữa giá thành chế tạo con tàu với những lợi ích thực tế mà nó có thể mang lại.
Dự kiến, ISRO sẽ phải chi khoảng 300 triệu rupi (hơn 6,5 triệu USD) cho việc thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên.
Tuy nhiên, một khi thành công, tàu con thoi sẽ giúp giảm mạnh chi phí cho việc phóng các vệ tinh lên quỹ đạo Trái Đất, vì tàu này có thể sử dụng nhiều lần.
Hiện chi phí cho việc phóng vệ tinh lên vũ trụ bằng tên lửa đẩy vào khoảng 15.000-20.000 USD/kg.
Nếu độ tin cậy của tàu con thoi được bảo đảm, nó sẽ được sử dụng để thực hiện các chuyến bay đưa con người lên vũ trụ./.